Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: Người khởi xướng nhiều đổi mới hoạt động của Quốc hội

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão là nhắc đến một trong những người có đóng góp lớn vào việc thúc đẩy đổi mới hoạt động của Quốc hội, đóng góp lớn vào hoạt động ngoại giao nghị viện. Đồng thời, với báo chí, ông cũng là một chính khách luôn cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí trên nhiều lĩnh vực.

Người dám nghĩ, dám làm
Cuối tuần qua, thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã từ trần (ngày 30/5) ở tuổi 81. Ông Vũ Mão sinh năm 1939 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Hải Anh, Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ông là Ủy viên T.Ư Đảng 5 khóa liên tục từ Khóa V đến Khóa IX (từ năm 1982 đến năm 2006) và từng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong bộ máy Nhà nước. Với Quốc hội, ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các Khóa IX, X, XI; Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cải tiến, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội.
Trong thời gian công tác tại Quốc hội, ông Vũ Mão được biết đến như một người khởi xướng và đóng góp trực tiếp vào việc đưa nhiều ý tưởng đổi mới thành hiện thực, trong đó có việc tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội đến với cử tri và Nhân dân cả nước, biểu quyết bằng máy… Ông cũng đóng góp lớn vào hoạt động ngoại giao nghị viện, mở rộng hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước trên thế giới, đúng vào thời điểm đất nước ta hội nhập mạnh mẽ.
 Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - Vũ Mão (giữa) tại buổi giao lưu trực tuyến ''Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân'' do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, tháng 5/2016. 
Ông từng chia sẻ, trước yêu cầu đổi mới, Văn phòng Quốc hội đã đề xuất cải tiến phương thức hoạt động tại kỳ họp. Văn phòng cũng tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động Quốc hội. Từ nhiệm kỳ khóa VIII, với tinh thần đổi mới, các đại biểu Quốc hội phải thường xuyên biểu quyết thông qua nhiều vấn đề. Việc biểu quyết bằng cách giơ tay đã làm mất nhiều thời gian của Quốc hội.
Trước thực trạng ấy, Văn phòng đã đề xuất và được Hội đồng Nhà nước đồng ý, được nghiên cứu cách thức biểu quyết bằng điện tử. Năm 1988, được sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin, Văn phòng đã cho lắp đặt hệ thống điện tử để phục vụ cho việc biểu quyết ở Quốc hội.
Từ năm 1989, Văn phòng đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động của Quốc hội. Những cố gắng nói trên đã giúp việc nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, đồng thời góp phần tạo điều kiện cho sự phối hợp, điều hòa trong công tác chỉ đạo chung của hệ thống chính trị.
Một dấu ấn khác của ông gắn với việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội là truyền hình, phát thanh trực tiếp những phiên họp quan trọng của Quốc hội. Ông từng kể, với tinh thần đổi mới và thành quả Quốc hội khóa VIII đã nung nấu, Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu ý tưởng, hình thành đề án, đưa ra 3 phiên thảo luận để tạo sự đồng tình, sau đó báo cáo Bộ Chính trị 2 lần.
Theo ông, có sự công phu như vậy vì lo sợ truyền hình sẽ có khiếm khuyết, nguy hiểm cho đất nước. Nhưng ông đã thuyết phục được lãnh đạo Quốc hội. Năm 1994, kỳ họp đầu tiên Quốc hội truyền hình trực tiếp phiên chất vấn. Đến nay, việc truyền hình trực tiếp các hoạt động quan trọng của Quốc hội đã trở thành thông lệ, giúp cử tri cả nước theo dõi trực tiếp nhiều hoạt động của cơ quan lập pháp tối cao.
Như những chia sẻ trong một bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), người đã có nhiều năm gắn bó với ông, qua đó có thể hiểu rõ hơn về ông, một người có tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm. Ông đã thật sự là người đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh để đổi mới Quốc hội, cũng là để đổi mới đất nước.
“Biểu quyết bằng hệ thống điện tử thay vì bằng cách giơ tay, phát biểu qua hệ thống micro tại chỗ thay vì phải lên bục, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, thúc đẩy hoạt động điều trần ở các Ủy ban… đều là những bước tiến mà anh thúc đẩy. Những việc như trên giờ đã trở thành hiển nhiên ở Quốc hội, nhưng quả thực, chúng đã trở thành hiển nhiên nhờ có sự dấn thân của anh” - TS Nguyễn Sĩ Dũng đã viết.
Luôn cởi mở, thẳng thắn với báo chí
Khi đã về nghỉ hưu, ông vẫn giữ những vai trò quan trọng như Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Trưởng ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên T.Ư; Trưởng ban liên lạc cựu thiếu sinh quân Việt Nam; Chủ tịch Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, với báo chí, từ khi còn công tác, cho đến lúc đã về hưu, ông luôn là một chính khách cởi mở, sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí bất kỳ lúc nào.
Với báo Kinh tế & Đô thị, chúng tôi may mắn được gặp ông nhiều lần, nghe ông trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội nói riêng và của Nhà nước nói chung, cũng như những điều cử tri, người dân quan tâm. Trong đó, nhớ nhất là năm 2016, ông tham gia giao lưu trực tuyến tại báo với chủ đề: “Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân” với vai trò khách mời. Rất thẳng thắn, ông không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn về những ý nghĩa, những kỷ niệm cá nhân trong ngày bầu cử mà còn đưa ra cái nhìn rất thẳng về những hạn chế trong công tác hành pháp, lập pháp cần tiếp tục được đổi mới.
Lúc nào gặp ông, chúng tôi cũng thấy ở ông một tâm trạng vui vẻ, ân cần. Không chỉ đưa ra những luận giải sâu sắc về các vấn đề quan trọng, chúng tôi còn được nghe ông kể về những kinh nghiệm bản thân để giữ lối sống lạc quan, đặc biệt là có thể làm việc, viết sách, làm thơ, sử dụng máy tính, minh mẫn và giàu năng lượng ngay cả khi đã qua tuổi 80. Đó là những điều chúng tôi sẽ nhớ mãi về ông.

Trong thông báo, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, ông Vũ Mão, sinh năm 1939, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 01 giờ 39 phút, ngày 30 tháng 5 năm 2020 tại nhà riêng P206, nhà N3, ngõ 36, phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Lễ tang ông Vũ Mão được tổ chức theo nghi thức Lễ tang Cấp cao, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì.

Lễ viếng từ 7 giờ đến 10 giờ 45 phút ngày 3/6/2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ Truy điệu vào hồi 10 giờ 45 phút; di quan vào hồi 11 giờ 15 phút cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần