Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Nỗ lực thực hiện nhiều việc lớn, việc khó

Anh Quý - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính của TP Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về những việc Thủ đô đã làm trong gần 10 năm qua.

Nhiều khó khăn, thách thức

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, có thể thấy, Hà Nội đã thực hiện một khối lượng công việc “khổng lồ”, toàn việc lớn và việc khó.

Hà Nội triển khai việc hợp nhất trong bối cảnh kinh tế đất nước và TP đang gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, lạm phát gia tăng. Hạ tầng đô thị, nông thôn yếu và thiếu đồng bộ, đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều xã còn chưa có điện, nước sinh hoạt… Càng khó khăn hơn khi Hà Nội vừa hợp nhất được 2 tháng thì xảy ra trận mưa lịch sử (tháng 10 năm 2008), lớn nhất chưa từng có, gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân... Cùng với việc triển khai hợp nhất, TP tiếp tục khẩn trương thực hiện Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại lễ của dân tộc mà Hà Nội vinh dự với trách nhiệm là chủ thể. Cùng với những chương trình văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, cả Hà Nội như một “đại công trường” sôi động, thực hiện hàng loạt công trình trọng điểm để kỷ niệm sự kiện trọng đại này.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo kiểm tra dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, tháng 4/2013.  Ảnh: Anh Quý
Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức như vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã nỗ lực hết mình chủ động, sáng tạo, thực hiện toàn diện và đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó có những việc chưa từng có tiền lệ và đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Nổi bật là chỉ trong thời gian ngắn, Hà Nội đã khẩn trương kiện toàn, sắp xếp bộ máy và nhân sự để kịp thời đáp ứng cho công tác lãnh đạo và điều hành quản lý. “Đây là việc rất khó vì liên quan đến con người” - nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trầm ngâm nhớ lại, thậm chí một số đồng chí cán bộ nhận hy sinh quyền lợi của mình trong sắp xếp nhiệm vụ để ổn định tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, TP cũng chủ động và sáng tạo khẩn trương giải quyết các vấn đề về hành chính dân sự, như phân định lại ranh giới, sắp xếp lại một số các đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã: Xác định hộ tịch hộ khẩu, đăng ký xe máy, ô tô…, kịp thời vận hành hệ thống theo đơn vị hành chính mới.

Cùng với đó, TP đã chú trọng chăm lo đến đời sống Nhân dân, nhất là người dân các vùng khó khăn, kéo điện nước, làm đường đến cho bà con ở các xã miền núi… Tập trung cao độ khắc phục các hậu quả do mưa lũ, chú trọng giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp và nhạy cảm, ổn định xã hội. Tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 10/2010), để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trước mắt và thường xuyên, TP bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch chiến lược lâu dài như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển của TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết… Để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý thực hiện các quy hoạch và chiến lược phát triển trên đó. TP đã chủ động xây dựng và trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 (ngày 6/1/2012) và Luật Thủ đô. Đây thực sự là những việc lớn, việc khó, đòi hỏi không chỉ về mặt thời gian, vật lực, trách nhiệm của đội ngũ thực hiện, mà còn đòi hỏi trí tuệ, sự sáng tạo của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô.

Kết quả to lớn

và có ý nghĩa quan trọng

Thực tế cho thấy, kết quả đạt được trong 10 năm qua là rất to lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Kinh tế Thủ đô vượt qua suy giảm, liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tích cực, chất lượng và hiệu quả hơn. Năm 2017, thu ngân sách ước thực hiện trên 200.000 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so năm 2008. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (khoảng 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008)... Hà Nội ngày nay đã là một trung tâm kinh tế lớn và thực sự là vai trò động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Bên cạnh đó, Hà Nội bây giờ đã đổi thay rõ nét, hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh đầu tư. Hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được triển khai và đưa vào sử dụng như Cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao, đường Bắc sông Hồng, đường Nhật Tân - Nội Bài, Đường 32… Mạng lưới đường sắt đô thị, tàu điện ngầm đã được quy hoạch, một số tuyến đã được khởi công xây dựng, như Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long… Nhiều dự án cải tạo đường giao thông nội đô, đã và đang hoàn thành, như đường Lê Trực, đường đê Nguyễn Khoái, đường Ô Chợ dừa - Hoàng Cầu, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Văn Cừ, các cầu vượt nút giao…, đã không chỉ khắc phục ùn tắc giao thông, mà còn góp phần cải tạo, hiện đại hóa đô thị Thủ đô.

Không những vậy, diện mạo đô thị Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại đang dần trở thành hiện thực với nhiều hồ lớn, công viên cây xanh được cải tạo, mở rộng, đầu tư mới như hồ nước và công viên Hữu Nghị, hồ nước và công viên Yên Sở, công viên Thanh Xuân, kè Hồ Tây; vườn hoa Nhà Hát lớn, vườn hoa Thái Hà, vườn hoa Nhà Chung… Nhiều khu đô thị mới, công trình, kiến trúc xanh hiện đại, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô... Hà Nội đã trở thành một TP lớn, ngày càng khang trang, hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các sự nghiệp văn hóa xã hội và đời sống dân sinh tiếp tục được nâng lên, xã hội ổn định; an ninh quốc phòng luôn được giữ vững và củng cố. Quan hệ hữu nghị hợp tác trong và ngoài nước được mở rộng và phát triển theo chiều sâu. Vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng lên, khẳng định được vai trò Thủ đô của cả nước, trung tâm hội nhập lớn trong khu vực và trên thế giới.

Đạt nhiều thành tựu và sự tiến bộ trên đây, không chỉ là thành quả của cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi 10 năm qua của Hà Nội, mà còn khẳng định một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Một quyết sách mang tầm vóc lịch sử để Hà Nội đã và đang vươn mình phát triển với thế và lực mới.

Tiếp tục vươn mình phát triển

Tuy nhiên, theo nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, những kết quả và thành tựu vừa qua mới chỉ là bước đầu. Phía trước, nhiệm vụ của Thủ đô còn rất nặng nề, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Đó là: Hạ tầng đô thị nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, trong khi đó nguồn lực đầu tư còn hạn chế; Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc và nan giải… Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn, xã hội còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp… Cải cách thể chế và cải cách hành chính chuyển biến chậm. Năng lực, trách nhiệm, đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Đây là những vấn đề mà TP chúng ta cần tiếp tục tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Với thế và lực hiện nay, với tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất, năng động và sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô; cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ của các bộ, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt với những bài học quý báu trong 10 năm qua, Hà Nội sẽ tiếp tục vươn mình phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng được lòng mong muốn của cả nước.