Nguyên giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Kiên Long lãnh 30 năm tù

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Anh Duy với vai trò là lãnh đạo Phòng giao dịch Hồng Dân có động cơ chiếm đoạt tài sản nên đã quyết định cho khách hàng vay vốn ngoài huyện Hồng Dân (Bạc Liêu).

Qua năm ngày xét xử sơ thẩm, chiều 7/8, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt bảy bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Phòng giao dịch Hồng Dân thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long Chi nhánh Bạc Liêu.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Cụ thể, bị cáo Lê Anh Duy, (SN 1979, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Hồng Dân) bị tuyên phạt 20 năm tù giam; Lê Kiều Phong (SN 1982, nguyên Kế toán Hợp tác xã Thuận Thành, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) - 2 năm tù giam; Trần Thị Thu Trang (SN 1986, nguyên Thủ quỹ Phòng giao dịch Hồng Dân) - 5 năm tù giam; Phan Hoài Nam (SN 1988, nguyên là nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Hồng Dân) - 3 năm tù treo; Lâm Dư Đức (SN 1988, nguyên là nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Hồng Dân) - 3 năm tù treo; Phạm Minh Đức (SN 1982, nguyên Kế toán Phòng giao dịch Hồng Dân) - 3 năm tù treo; Hà Bảo Nhân (SN 1988, nguyên Thủ quỹ Phòng giao dịch Hồng Dân) - 2 năm tù treo.

Riêng bị cáo Lê Anh Duy với án 20 năm tù trong vụ án này cộng mức án 10 năm tù đang thụ án về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” thì có tổng mức án phải chấp hành là 30 năm tù giam.

Ngoài ra, bị cáo Duy còn chịu trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long Chi nhánh Bạc Liêu 2,865 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, bị cáo Lê Anh Duy với vai trò là lãnh đạo Phòng giao dịch Hồng Dân thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long Chi nhánh Bạc Liêu do có động cơ chiếm đoạt tài sản nên đã quyết định cho khách hàng vay vốn ngoài huyện Hồng Dân. Bị cáo Duy là người trực tiếp nhận yêu cầu vay vốn của Lê Kiều Phong (nguyên Kế toán Hợp tác xã Thuận Thành, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình).

Trong quá trình cấp tín dụng từ năm 2011 - 2012 Duy đưa ra những thông tin gian dối làm cho các nhân viên dưới quyền lầm tưởng là thật. Từ đó, nhân viên tín dụng bỏ qua quy định tiếp xúc khách hàng, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, còn kế toán lập phiếu chi tiền mặt mà không có mặt khách hàng tại quầy.

Thủ quỹ thay vì phải chi tiền trực tiếp cho người có tên trong hợp đồng, yêu cầu họ ký vào phiếu chi tiền mặt, đồng thời ký tên vào bản kê nhận tiền mặt, thì lại đưa tiền cho Duy kèm chứng từ đưa cho khách.

Với các sai phạm trên các nhân viên tín dụng, kế toán, thủ quỹ đã lập 36 hợp đồng tín dụng cho xã viên Hợp tác xã Thuận Thành vay vốn, nhưng bị vô hiệu một phần nên Phòng giao dịch Hồng Dân gặp khó khăn khi thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo.

Hậu quả là số tiền cho vay hơn 5,1 tỷ đồng không thu hồi được. Hành vi sai phạm của các nhân viên phòng giao dịch đã giúp sức, tạo điều kiện cho Duy chiếm đoạt trên 2,8 tỷ đồng của ngân hàng, bị cáo Phong chiếm đoạt 190 triệu đồng.

Tại phiên xét xử bị cáo Lê Anh Duy bác toàn bộ cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát và cho rằng mình không phạm tội như cáo trạng quy kết. Còn một số bị cáo khác thừa nhận có sai sót trong nghiệp vụ và thực hiện các hành vi do bị cáo Duy chỉ đạo.

Tuy nhiên, qua xem xét các chứng cứ, lời khai, các tình tiết, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bị cáo Lê Anh Duy cùng các bị cáo phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” chứ không phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần