Nguyễn Huy Thiệp từ biệt thế gian: Trương Chi đã về với Mỵ Nương

Nhà văn Trần Thị Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xin tiễn biệt một tài năng – nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Xin mừng sự lận đận đã không còn theo đuổi anh nữa. Anh thanh thản về với Mỵ Nương, và hát những bài ca hay nhất trong giấc mơ của mình.

 Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi để lại sự tiếc thương cho bạn bè và độc giả - những người luôn yêu mến tác phẩm của ông.

Như đã nói tôi là người mê văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Truyện nào của ông tôi cũng không bỏ qua, đọc nhiều lần thích cái hay của cái nhìn đa chiều của tác giả, tính ẩn dụ cao cường của ngữ nghĩa, càng đọc càng thích, trong nỗi buồn vô tận Nguyễn Huy Thiệp đã “kể” nó mỗi lần kể mỗi khác với nhân vật khác, tình tiết khác. Nếu trong “Muối của rừng” tôi nhớ một ông Diểu thợ săn, không nỡ giết con mồi, ông tha cho nó, khi nhìn vào mắt nó, ông ngộ ra rằng “mỗi sinh vật đều bị trách nhiệm đè nặng trên vai”, thì trong “Truyện của rừng”, tôi nhớ đến tay Bường thợ xẻ, người đã “dạy” cho cậu Ngọc (người thi trượt ĐH) theo lên rừng làm thợ cưa gỗ những bài học đầu đời, đại loại như: “…Ngày mai khối lượng công việc rất nặng. Mày mất ngủ vì một tiếng hoẵng kêu, điều ấy có hại vô cùng. Tao đưa mày lên rừng làm việc chứ không phải để mày tu dưỡng”. Ngọc là người thành phố, mơ mộng, thương con hoẵng tác suốt đêm vì nhớ mẹ. “Anh Bường cáu: “Thằng khỉ ạ, những nhạy cảm vô lối sẽ làm tan nát cuộc đời mày mất thôi. Làm gì có chuyện hoẵng đi tìm mẹ? Con ơi, đấy là một con hoẵng cái trụy lạc, nó đi tìm hoẵng đực. Gặp phải con đực sở khanh, rồi bị tiêm la… ”.

"Tướng về hưu" một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Viết cứ như không thế mà đau thế. Những mơ mộng có thật và tan mất bởi những sự thật trần trụi của cuộc sống cứ lần lượt trải qua mắt con người còn thơ ngây đang muốn yêu cuộc sống được ông kể với một giọng văn tưng tửng tưởng rất vô can mà xoáy vào lòng người đọc. Nhưng tôi nhớ nhiều lắm đến “Trương Chi”. Có lẽ đây là tâm sự của chính Nguyễn Huy Thiệp: “Nỗi buồn của ta ơi/ Như cục đá đè nặng tim ta/Nào ai thấu/Phía xa kia là quê nhà/ Tuổi trẻ mờ sương/ Những ký ức mờ sương/ Những ước mơ đâu cả rồi?Những mơ ước của ta/a đã mơ rất say đắm/ Mơ hoa lá, những bài ca/Những tiếng đàn/ Những nụ cười/những đồng lúa chín/Những lâu đài rực rỡ…Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt Trương Chi rùng mình vì sự vắng lặng xung quanh. Không ai đáp lại chàng. Sự vắng lặng kinh hoàng. Chỉ có tiếng giun dế, tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa. Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Chàng khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng. Chàng nhổ mẩu ngón tay xuống Bông. Trời tối, không thấy máu. Chàng thò ngón tay xuống dòng nước xiết. Dòng nước mơn man khiến chàng dễ chịu… Ta là Trương Chi/ Ta hát cho tình yêu/ Tình yêu không xúc phạm được/ Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế…”.

Nguyễn Huy Thiệp mượn hình tượng Trương Chi nói lên sự vô nghĩa của toàn bộ quan hệ đời sống và về thân phận nghệ sĩ (lúc bấy giờ!). Trương Chi là tiếng than khóc của tài năng không được biết đến, chỉ là kiếp mua vui cho những người như quan hoạn, nhạt nhẽo và vô cảm…

Đọc xong Trương Chi, nhạc sĩ Trần Tiến bảo tôi tìm cách liên hệ để gặp được Nguyễn Huy Thiệp. Ngày đó, điện thoại để bàn còn ít nhà có, tôi thì ở cách nhà Nguyễn Huy Thiệp không xa nên tìm được ngay. Nguyễn Huy Thiệp đồng ý đi cùng chúng tôi lên Việt Trì, ban ngày tâm sự giãi bày, ban đêm Trần Tiến đi diễn theo Hợp đồng với tỉnh. Biết bao điều họ đã nói với nhau ngày đó, hay đến là hay. Nguyễn Huy Thiệp viết thì sắc sảo, từng chữ một như lưỡi dao chém vào đá, bật lên tư tưởng làm người đọc sởn da gà, nhưng nói chuyện thì Nguyễn Huy Thiệp lại rất kém. Một phần không hoạt ngôn, một phần anh có tật nói lắp, nghĩ rất kỹ từng từ, có lẽ ông muốn diễn đạt một cách đắt nhất mang dấu vết Nguyễn Huy Thiệp nhất nên mãi mới được một câu.

 Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và tác phẩm Con gái Thủy thần

Tôi thân với Nguyễn Huy Thiệp và cả gia đình anh từ hồi đó, hai đứa con trai của anh còn rất nhỏ, Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa. Bách giờ đã là một họa sĩ tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật (Yết Kiêu), Khoa cũng vẽ, có lẽ ảnh hưởng bởi thời gian vàm việc ở 39 Lý Quốc Sư của Lê Thiết Cương. Khoa vẽ theo bản năng và những xúc cảm riêng tư nên chóng bỏ nghê, nhưng tranh vẽ trong giai đoạn đó của Khoa cũng có người thích nên bán được. Đặc biệt là thân với chị Trang vợ anh Thiệp. Chị coi tôi là cái túi chứa tâm sự bí mật của chị, của người có chồng nổi tiếng, chịu đựng toàn bộ các cuộc viếng thăm dài vô tận của đủ các loại khách. Nhà nghèo,(đã có câu ví chua chát: nhà văn là một thứ đĩ không đủ tiền son phấn) nhưng cả hai vợ chồng đều hiếu khách, họ cứ coi Khương Đình là nơi rất xa nên không nỡ để khách về mà không ăn trưa. Sách in ra cũng nhiều người xin, tính lại cả nể, nên gia tài tính đầu sách có tới cả trăm, không thể đồ sộ truyện ngắn, tiểu thuyết còn có 7 vở kịch… nhưng chỉ in được một số, có nhuận bút, kịch thì không được dựng, sách có giai đoạn không được phát hành nên thu nhập hầu như chẳng là bao, trông chờ nhiều vào đồng lương của chị Trang. Chị làm ở nhà xuất bản GD, người có mức lương cao nhất về kỹ thuật sửa morat. Chị nói những cuốn từ điển y học là khó nhất, và chị là người được giao nó vì tay nghề cao. Dĩ nhiên, cao thì cao việc cũng quá khó, chị cũng nhận làm cốt mong có tiền cho chồng con đủ ăn.      

Vì viết văn mà long đong lận đận. Tốt nghiệp khoa sử ĐH Tổng hợp, Nguyễn Huy Thiệp đi dạy học ở Tây Bắc, sau về NXB giáo dục làm can vẽ sách giáo khoa toán lý hóa, nhưng văn chương cứ thôi thúc trong lòng. Truyện ngắn đầu tiên “Tướng về hưu” in trên báo Văn Nghệ đã biến đổi cuộc đời nhà văn từ chỗ ổn định sang thăng trầm vĩnh viễn. Nhưng anh vẫn liên tục ra đời những tác phẩm khác, mà cái nào cũng gây tranh cãi gay gắt. Song, dù có gay gắt đến đâu mọi tranh cãi vẫn đều công nhận Nguyễn Huy Thiệp là khác, là mới là tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống sáng tác văn học.

Khoảng 1991 Nguyễn Huy Thiệp mời bạn thân là Nguyễn Hồng Hưng, họa sĩ kiêm điêu khắc gia đến làm một tượng Phật ở khu vườn có nhà đang ở của mình. Bức tượng thật đẹp và khác tất cả những bức tượng Phật đã có bởi tài năng, mỹ cảm và quan niệm về Đạo Phật của Hồng Hưng. Khu vườn đó giờ thu hẹp lại, 2 căn nhà được dựng lên cho 2 gia đình con trai ở, Nguyễn Huy Thiệp có 3 cháu nội. Năm 2008, ông lần đầu phát hiện ra những cơn đau tim liên tiếp, tây y chữa không khỏi. Có người mách, vợ ông đã mua mấy chục đầu rắn hổ mang về nướng lên làm thuốc cho chồng. Sức khỏe của ông khá lên nhưng rồi cách đây 2 năm ông bị đột quỵ. Lần này thì nặng hẳn phải vào viện, chân tay co quắp, đi lại nói năng khó khăn.

Mỗi lần tôi đến thăm đều thấy ông ngồi trên xe lăn, mắt nhìn xa săm với nỗi buồn tê tái. Ông vui hơn khi không còn những người thăm chỉ để lấy lệ mà có được những người tri kỷ, cảm thông. Ông nhớ đến những người đã giúp ông trong cuộc đời khốn khó của mình, ông kể về họ như một bày tỏ. Có người biết ông bệnh cũng đã gửi tiền biếu ông mà không cho ông phải mang cái nỗi nhớ đó nên cứ dặn tôi, đưa sao cho khéo, tôi lại nhờ người khác chuyển khoản để có được tính minh bạch của sự việc. Nhiều lần, thấy ông được con trai dìu đứng lên, đi lại trong sân tập để “lội ngược dòng” trở về cuộc sống. Nhưng, cố gắng mãi cũng chẳng ăn thua, Giời có thể xót thương mà mang cả hai vợ chồng ông đi, chỉ cách nhau vài tháng. Ông mất lúc 16h30 ngày 20/3/2021 tại nhà sau nhiều ngày nằm mê mệt. (Chưa có tin về lễ an táng)

Nếu để tóm tắt gọn nhất về Nguyễn Huy Thiệp thì tôi mượn câu của ai đó về văn chương một thời kỳ: “Đỗ Chu là người thể hiện chất thơ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, còn Nguyễn Huy Thiệp thì thể hiện chất văn xuôi phàm tục và chất bi hài của chủ nghĩa xã hội hiển lộ ra từ thời kỳ đổi mới...”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần