Nguyên nhân ban đầu của vụ sập giàn giáo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi có thông tin xảy ra vụ tai nạn lao động thảm khốc làm 13 người tử vong và...

Kinhtedothi - Ngay khi có thông tin xảy ra vụ tai nạn lao động thảm khốc làm 13 người tử vong và hàng chục người bị thương tại công trường Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo đích thân Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh chủ động nắm tình hình để làm cơ sở xác định nguyên nhân dẫn tới tai nạn. 

Các lực lượng chức năng đang tháo dỡ khối giàn giáo bị sập.

Trao đổi với phóng viên ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyên cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 25/3 tại Công trường thi công hạng mục Giếng chìm, Đê chắn sóng công trình xây dựng Cảng Sơn Dương, khu vực kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh do nhà thầu là Công ty Sam Sung C&T.

“Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố má phanh hệ thống thủy lực không đảm bảo, dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo bê tông đổ sụp gây tai nạn. Hệ thống khung thép của khuôn bê tông ước lượng cao khoảng 20m, dài 40m, rộng 35m. Tại thời điểm xảy ra tai nạn có trên 50 lao động đang làm việc trên công trường,” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm.

Đây là vụ tại nạn lao động vô cùng nghiêm trọng nên ngay sáng 26/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lập đoàn công tác vào Hà Tĩnh để phối hợp với địa phương tham gia chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, tìm kiếm nạn nhân và thăm hỏi, hỗ trợ động viên những gia đình có nạn nhân. Trước mắt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ mỗi gia đình có người tử nạn 3 triệu đồng, mỗi người bị thương 2 triệu đồng.

Theo báo cáo từ đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối ngày 26/3, số người chết được xác định là 13 người (13 thi thể đã được tìm thấy), số người bị thương là 28 người, trong đó điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh là 9 người, điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh 19 người.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Đây là vụ tai nạn lao động để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, tới đây những cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ phải xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.”

Để làm rõ hơn nguyên nhân của vụ tai nạn, chiều ngày 26/3, đoàn công tác của Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc họp thống nhất thành lập tổ điều tra gồm các chuyên gia về An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), chuyên gia giám định của Bộ Xây dựng, đại diện một số bộ, ngành liên quan.

Tổ công tác sẽ rà soát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, công tác quản lý đầu tư xây dựng, thi công và chất lượng các hạng mục công trình, đối chiếu với pháp luật hiện hành, chú trọng các tiêu chuẩn và quy chuẩn; giám định nguyên nhân sự cố.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lĩnh vực xây dựng luôn đứng đầu bảng xếp hạng về số vụ tai nạn lao động. Chỉ từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn trong lĩnh vực xây dựng, chiếm 57% số vụ tai nạn lao động. 

Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng có nhiều nguyên nhân, nhưng dễ thấy nhất là do người lao động không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, ý thức chấp hành của cả chủ công trình, người sử dụng lao động và của cả chính người lao động đều rất hạn chế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần