Nguyên nhân bến xe Miền Đông tiếp tục trì hoãn hoạt động giai đoạn 1

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến ngày mai (15/8), bến xe Miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 sau nhiều lần trì hoãn. Tuy nhiên, vào phút cuối bến xe Miền Đông mới vẫn chưa được phép hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa được đi vào hoạt động giai đoạn 1.
Theo đó, Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco), đơn vị chủ đầu tư bến xe Miền Đồng đã có văn bản báo cáo đến UBND TP Hồ Chí Minh về việc tạm hoãn hoạt động giai đoạn 1 của bến xe Miền Đông mới (theo kế hoạch là ngày 15/8) cho đến khi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP có chỉ đạo mới sau khi tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát và không còn ca lây nhiễm tại cộng đồng.
Sau khi có văn bản trên, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp đơn vị chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để rà soát, kiểm điểm lại tình hình thực hiện các công việc đã được UBND TP giao trước đó.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát về công tác chuẩn bị bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động, Sở nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại.
Cụ thể, về vấn đề pháp lý Samco chưa hoàn tất thủ tục thuê đất với Sở TN&MT. Về chất lượng công trình xây dựng, Samco chưa xây dựng nhà điều hành xe buýt và một số vấn đề liên quan đến giao thông trong và ngoài bến xe, lộ trình xe buýt phục vụ hành khách, giao thông kết nối xung quanh bến xe như lắp đặt biển báo, nâng các tuyến đường kết nối...
Dự án bến xe Miền Đông mới được khởi công cách đây 3 năm nhưng nhiều lần chậm tiến độ. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 16ha, nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc phường Long Bình, Quận 9, TP Hồ Chí Minh và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Công trình gồm bốn khu A, B, C, D. Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng; khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Tổng vốn đầu tư của bến xe miền Đông mới là hơn 4.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 1, bến xe mới này sẽ phục vụ vận tải hành khách tuyến đường cố định có cự ly từ 1.000km trở lên. Chủ yếu đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.
Giai đoạn 2, bến xe Miền Đông mới sẽ lần lượt phục vụ hành khách đi các tuyến đường từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trở vào TP Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần