Nguyên nhân khiến thị trường giằng co trước kỳ nghỉ lễ
Kinhtedothi - Sau khi giằng co quyết liệt, thị trường phiên 29/4 khép lại với việc VN-Index giữ vững mốc hỗ trợ 1.220 điểm, thể hiện tín hiệu tích cực về xu hướng trung hạn.
Thị trường giằng co trước kỳ nghỉ lễ
Phiên giao dịch ngày 29/4 khép lại trong trạng thái giằng co khi VN-Index giảm nhẹ 0,5 điểm, xuống còn 1.226,3 điểm. Đây cũng là phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày, thị trường thể hiện sự thận trọng rõ nét với thanh khoản tiếp tục suy yếu. Tổng khối lượng giao dịch trên cả ba sàn đạt 676 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 15.534 tỷ đồng – một trong những mức thấp nhất trong nhiều tuần gần đây.

Mở cửa phiên giao dịch 29/4, thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện rõ tâm lý thận trọng khi VN-Index giằng co quyết liệt quanh mốc tham chiếu. Dù số mã tăng áp đảo số mã giảm, chỉ số không thể bứt phá do loạt cổ phiếu trụ như VIC, VHM, VRE và SAB cùng giảm trên 1,5%. Thế giằng co duy trì trong phần lớn phiên sáng. Tuy nhiên, gần giữa phiên, áp lực bán gia tăng mạnh tại các cổ phiếu bất động sản như VIC, NVL, PDR, TCH, KBC, IDC… khiến chỉ số giảm gần 3 điểm, lùi về 1.223,85 điểm.
Bước sang phiên chiều, dòng tiền có phần cải thiện, giúp VN-Index có thời điểm vượt tham chiếu. Song đà hưng phấn không kéo dài. Tâm lý nghỉ lễ sớm và lực bán chốt lời tại các mã vốn hóa lớn đã khiến thị trường nhanh chóng quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,5 điểm, tương đương 0,04%, xuống 1.226,3 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế với 274 mã giảm so với 226 mã tăng. Thanh khoản tuy cải thiện 9,8% so với phiên trước, đạt 15.534 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm hơn 24% so với phiên cuối tuần trước. VN30-Index giảm mạnh hơn khi mất 2,6 điểm (0,2%) với 17/30 mã giảm giá. SAB giảm sâu 6,05% và là mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số, lấy đi gần 1 điểm của VN-Index.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán ghi nhận sự phân hóa mạnh. Một số cổ phiếu midcap và penny như VSC, TDH, DC4 bất ngờ tăng trần, hút dòng tiền đầu cơ. Ở chiều ngược lại, SAB giảm gần sàn sau khi công bố lợi nhuận quý I thấp nhất kể từ thời kỳ dịch Covid-19, trở thành mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số, lấy đi gần 0,9 điểm của VN-Index. Các mã ngân hàng lớn như VCB, MBB, LPB, EIB, SSB cũng giảm điểm, làm lu mờ nỗ lực hồi phục từ nhóm bất động sản và công nghiệp.
Sự hồi phục của bộ ba Vingroup giúp nhóm bất động sản khởi sắc với các mã tăng mạnh như SJS, DXS, KSF, FIR, TCH… Ở chiều ngược lại, các mã như AGG, QCG, PDR, KDH, CEO vẫn chìm trong sắc đỏ. Ngoài ra, nhóm vận tải biển là điểm sáng hiếm hoi của thị trường với VSC tăng trần, HAH và VOS tăng hơn 3%, cùng nhiều mã cảng biển như GMD, SPG, PHP tăng tích cực.
Khối ngoại quay đầu bán ròng 254 tỷ đồng sau khi mua nhẹ phiên trước, tập trung tại VIC (242 tỷ đồng), SAB, VPB, FPT, HDB... Áp lực từ khối ngoại và thanh khoản thấp phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ kéo dài. Thị trường sẽ nghỉ giao dịch từ 30/4 đến 4/5 và trở lại vào ngày 5/5, cũng là thời điểm hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào vận hành – được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới cho chứng khoán Việt Nam.
Phiên 29/4 khép lại với việc VN-Index giữ vững mốc hỗ trợ 1.220 điểm, thể hiện tín hiệu tích cực về xu hướng trung hạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nghỉ lễ từ ngày 30/4 đến hết 4/5 và giao dịch trở lại vào ngày 5/5. Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm hệ thống giao dịch KRX – do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc phát triển – chính thức vận hành. Kỳ vọng về sự cải thiện công nghệ và thanh khoản từ KRX được xem là động lực mới cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.
Cổ phiếu Vingroup hồi phục nhờ kết quả kinh doanh tích cực
Dù chịu áp lực đầu phiên, nhóm cổ phiếu họ Vingroup đã dần phục hồi nhờ kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực. Vinhomes (VHM) báo lãi sau thuế 2.652 tỷ đồng, tăng 193%; Vingroup (VIC) lãi 2.243 tỷ đồng, tăng 68%. VIC quay về tham chiếu, VHM thu hẹp đà giảm còn 0,2%, VRE bất ngờ tăng ngược 2,38%, lên 23.650 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất trong vòng một năm qua.
Thông tin tích cực từ báo cáo tài chính quý I/2025 của Tập đoàn Vingroup đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.053 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng mạnh từ mảng công nghiệp và bất động sản. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.243 tỷ đồng, tăng 68%. VinFast tiếp tục dẫn đầu thị trường ô tô điện nội địa với hơn 35.100 xe bàn giao, đồng thời lập kỷ lục với gần 46.000 đơn đặt hàng cho dòng xe Green chỉ sau 72 giờ mở bán.
Trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes báo lãi quý I tăng 193%, ra mắt nhiều dự án quy mô lớn như Wonder City tại Hà Nội, Green City tại Long An và khu đô thị Vinhomes Green Paradise tại Cần Giờ. Ngoài ra, hệ sinh thái dịch vụ của tập đoàn cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, từ y tế, giáo dục đến du lịch nghỉ dưỡng.
Dù phiên giao dịch 29/4 thiếu điểm nhấn rõ rệt, nhưng những tín hiệu phục hồi từ các mã đầu ngành và kết quả kinh doanh tích cực của Vingroup cho thấy nội lực thị trường vẫn đang được duy trì, tạo nền tảng cho diễn biến khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Chọn vàng hay chứng khoán?
Kinhtedothi-Liên tục các phiên đấu giá tuần, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến những phiên rung lắc khiến nhà đầu tư hoang mang. Trong khi giá vàng lên đỉnh khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc có nên "quay xe" chọn vàng thay vì chứng khoán.

Chứng khoán Mỹ tăng nhờ kỳ vọng hạ nhiệt thuế quan
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng 3 phiên leo dốc liên tiếp với sự thúc đẩy vững chắc từ nhóm cổ phiếu công nghệ, cũng như các dấu hiệu giảm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Chứng khoán Mỹ có tuần khởi sắc nhờ các tin tích cực về thuế quan
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tăng điểm thứ Tư liên tiếp khi nhà đầu tư xem xét các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp mới và tìm kiếm dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hạ nhiệt.