Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng: Để chọn nhân sự tốt thì phải dân chủ, công khai

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các địa phương trong cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng nhận định, cùng với đánh giá lại thành quả của một nhiệm kỳ, định ra phương hướng cho nhiệm kỳ tới, điều căn cốt, cơ bản của mỗi kỳ Đại hội chính là làm sao lựa chọn được những con người xứng đáng để đưa vào cấp ủy.
Quy định chỉ là công cụ, quan trọng là người sử dụng
Đã từng tham gia vào nhiều kỳ Đại hội, trước hết, ông đánh giá thế nào về các bước chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp lần này?
- Tôi được chứng kiến từ Đại hội III của Đảng đến nay, bản thân đã tham gia vào 5 kỳ Đại hội, tôi thấy việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp lần này rất chu đáo, bài bản, chủ động và khá toàn diện, căn cơ.
Trước hết thể hiện ở chỗ các văn bản, chỉ thị, quy định được ban hành cụ thể, trong đó có nhiều quy định mới như quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức chạy quyền”, quy định về trách nhiệm nêu gương… Đây chính là những cẩm nang, chỗ dựa quan trọng cho các cấp ủy chấn chỉnh đội ngũ, hoạch định phương hướng trong xây dựng Đảng, làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngày càng mạnh hơn, bước vào Đại hội với một tinh thần, khí thế mới.
 Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng.
Đặc biệt, chính những thành quả đáng ghi nhận trong công tác chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng cũng là một bước chuẩn bị tốt cho nhiệm kỳ tiếp theo. Với tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, trong những năm qua, Đảng đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, kể cả cấp cao…
Công tác này sẽ còn tiếp tục làm, đây là một minh chứng cho thấy bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Các kỳ Đại hội có nhiều việc phải làm, nhưng trong đó, nhiệm vụ quan trọng là bầu cấp ủy các cấp. Vậy theo ông, làm thế nào để công tác nhân sự đảm bảo đúng tiêu chí, cơ cấu nhưng vẫn phải thực chất, lựa chọn được đội ngũ thực sự ưu tú?
- Từ khi tôi vào Đảng đến giờ, đọc Điều lệ Đảng và lịch sử Đảng, càng ngày tôi càng ngộ ra một điều, Đảng cũng là một cơ thể sống, là tập hợp những con người, làm thế nào để tổ chức ấy mọi người như một, đồng tâm nhất trí xông vào những việc khó, việc khổ… luôn là vấn đề được đặt ra. Nên việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cho một nhiệm kỳ mới là việc không hề dễ. Quá trình lựa chọn nhân sự phải loại cho bằng được sâu, mọt. Sâu, mọt ở cấp thấp đã làm khổ dân rồi, sâu mọt ở cấp cao thì lại càng nguy hiểm.
Thời gian qua, tôi nhận thấy, Ban Chấp hành T.Ư đã có bước chuẩn bị rất kỹ càng, trong đó sửa lại các quy định hoặc ban hành các nghị quyết mới về các quy định lựa chọn cán bộ cho đúng quy trình, rõ tiêu chuẩn.
Như trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng quy định rõ quy trình 5 bước với nhân sự cấp ủy rất cụ thể. Tuy nhiên, quy định tự thân nó không chọn được cán bộ mà đó là quy trình thủ tục hay là công cụ, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào.
T.Ư đã nhiều lần nhấn mạnh, dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Điều này như một thông điệp mạnh mẽ về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được rất nhiều người tin tưởng, ủng hộ về công tác nhân sự sắp tới cho Đại hội Đảng các cấp. Theo tôi, cơ cấu là quan trọng, nhưng tiêu chuẩn phải là hàng đầu, không vì điều gì mà buông lỏng, phải chọn được những người ưu tú nhất.
Trong các khâu để lựa chọn nhân sự, thì đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế đã cho thấy, chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, mới làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí... cán bộ được khách quan, chính xác. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là để lọt vào cấp ủy.
Đặc biệt, phải nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện công tác cán bộ. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó đưa ra lấy ý kiến Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể để lựa chọn nhân sự.
Sau bước giới thiệu nhân sự, những người làm tổ chức phải đi thẩm tra xác minh về người được giới thiệu. Cũng từ đây, yêu cầu những người được tuyển chọn phải khai báo đầy đủ, kê khai tài sản… để xem tính trung thực, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu. Các ý kiến thẩm tra, lấy phiếu tín nhiệm để sàng lọc cán bộ phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng.
Hơn nữa, để lựa chọn đúng và trúng cán bộ, những người làm công tác nhân sự phải là những người có tâm, có tầm, trong sáng, vô tư, đặt lợi ích chung lên trên hết. Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để tình trạng nể nang, lợi ích nhóm tồn tại. Công khai là phải công bố mọi thứ lên, không việc gì phải úp mở. Những việc đó phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng.
Đối với những người được lựa chọn, phải tuân thủ theo đúng quy trình, từ việc quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào giới thiệu nhân sự cho đại hội. Quá trình rèn giũa, thử thách cùng sự giám sát của tổ chức, của quần chúng sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, có tài, có đức.
Đánh giá cán bộ cũng là vấn đề cốt lõi
Ông vừa nhận định, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lựa chọn nhân sự, ông có thể phân tích kỹ hơn về điều này?
- Đánh giá cán bộ rất quan trọng, điều này các nghị quyết của Đảng đều đã khẳng định. Nhưng thực tế cho thấy, công tác đánh giá cán bộ là khó, bởi vì ai đánh giá ai là việc cần xác định rõ. Thời gian qua, có thể nói rằng, mặc dù có rất nhiều thang bậc, nhiều quy định về xếp loại cán bộ, đảng viên, nhưng việc đánh giá cán bộ có lúc không được tiến hành một cách khoa học, quyết liệt, không phát huy được dân chủ, công khai, minh bạch, nên dẫn đến hình thức, nể nang, né tránh.
Theo tôi, quy định là một chuyện nhưng người thực hiện rất quan trọng, đặc biệt là những người đứng đầu. Trong đánh giá cán bộ, cần có người đứng đầu trung thực, trong sáng, tỏ thái độ rõ ràng. Phải đánh giá bằng những hành động cụ thể, nhìn thẳng, nói đúng sự thật. Các quy định đều đã nêu rõ, tập thể lãnh đạo, nhưng phân công cá nhân phụ trách và người đứng đầu chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ quản lý đều đảm đương những công việc cụ thể, nên nếu lĩnh vực ấy xảy ra vấn đề, người điều hành trực tiếp phải chịu trước tiên. Qua đánh giá, phải thấy ai không đủ điều kiện theo quy định thì cho họ thôi vị trí đang đảm đương, còn ai sai phạm phải xử lý, không nên nể nang, né tránh.
Vậy từ kinh nghiệm cũng như thực tiễn, ông có niềm tin vào công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới của các cấp ủy lần này?
- Hiện Đại hội Đảng các cấp mới tiến hành ở cấp cơ sở, nhưng tôi có niềm tin, vì Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để đặt ra phương hướng rất cụ thể trong công tác nhân sự khóa tới. Cá nhân tôi đã dự nhiều kỳ Đại hội nhưng thực sự thấy rằng chưa bao giờ việc chọn nhân sự lại được nói rõ, nói thẳng như lần này. Thời gian qua, chúng ta cũng có đủ quy định của Đảng, Nhà nước về vấn đề làm thế nào để gần dân, nghe dân, hiểu dân và xử lý những trường hợp không đúng đắn trong việc tham gia xây dựng Đảng.
Tuy từ quyết tâm đến hành động còn có khoảng cách nhưng cũng rất đáng mừng vì vấn đề đã được đặt ra công khai, không chỉ cho đảng viên mà toàn dân được biết để cùng giám sát, không để những người còn thiếu phẩm chất, tư cách “lọt” vào cấp ủy các cấp, đặc biệt là cấp cao.
Xin cảm ơn ông!

"Đối với những người được lựa chọn, phải tuân thủ theo đúng quy trình, từ việc quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào giới thiệu nhân sự cho đại hội. Quá trình rèn giũa, thử thách cùng sự giám sát của tổ chức, của quần chúng sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, có tài, có đức." - Ông Vũ Quốc Hùng