Nguyễn Thanh Hóa nói mất tất cả, Phan Văn Vĩnh nhận “đưa cả tổ ong vào tay áo”

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm 92 bị cáo về 6 tội danh liên quan đến hệ thống đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng đã bước sang ngày thứ 11. Tâm điểm vẫn “nóng” tranh tụng tội danh của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa…

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Đông Phong.
Bị cáo Hóa: “Ăn năn hối hận ngàn lần đã quá muộn”
Tại phiên tòa, ở phần tranh tụng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là Phạm Văn Hùng, Vũ Quy bày tỏ quan điểm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị áp dụng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa thổ lộ, nhiều đêm qua đã suy nghĩ về hành vi sai phạm của mình. Dù có ăn năn hối hận ngàn lần đi nữa cũng đã quá muộn, không thay đổi được gì nữa. Tuy nhiên, về mức án 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù mà VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị, bị cáo cho là quá nặng.
Ông Hóa nói, khi được lãnh đạo Bộ Công an giao cho nhiệm vụ với trọng trách hết sức nặng nề là xây dựng phát triển lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đây là lực lượng hoàn toàn mới mẻ với ông. Ông Hóa nói bản thân không am hiểu nhiều về công nghệ, nhưng có ý thức để thể hiện sự đóng góp công sức cho sự nghiệp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tham vọng xây dựng một lực lượng mạnh có thể đương đầu với các loại tội phạm mạng.
Cựu Thiếu tướng Hóa nghẹn ngào: “Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn, cho nên tạo ra một sự tham vọng trên nền tảng nhận thức bé nhỏ dẫn đến những vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng, liên lụy rất nhiều người, làm ảnh hưởng đến thanh danh của ngành. Trước phiên tòa hôm nay, tôi thành thật xin lỗi”. Bị cáo Hóa cũng nhấn mạnh rằng, cuộc đời của ông đến nay đã mất tất cả...
Quang cảnh phiên tòa chiều 23/11. Ảnh: Đông Phong.
Trả lời về động cơ cho Công ty CNC vận hành cổng trò chơi đổi thưởng (game bài Rikvip), bị cáo Hóa cho rằng, để dùng nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng dự án hệ thống phòng thủ quốc gia. Tuy nhiên, do không được sự đồng ý về chủ trương nên dự án này cũng chưa thực hiện và chưa lấy kinh phí của Công ty CNC. Về lợi ích kinh tế, bị cáo Hóa thừa nhận số tiền Công ty CNC đã đưa C50 (khoảng 700 triệu đồng) không nhập vào ngân sách Nhà nước và có thể là vụ lợi riêng cho C50. Việc ngăn ngừa hữu hiệu nhất của bị cáo Hóa khi phát hiện hành vi đánh bạc của Công ty CNC là yêu cầu không được quảng cáo và ban hành văn bản không công nhận đây là công ty nghiệp vụ (năm 2017).
Đáng chú ý, cho rằng bị cáo Hóa đã vòng vo, trả lời không đúng trọng tâm, đại diện VKS phải ngắt lời bị cáo, nhắc lại nhiều lần “Đề nghị bị cáo trả lời đúng trọng tâm và nhất quán quan điểm, không mai lại thay đổi”. Đại diện VKS tiếp tục “lưu ý” bị cáo Nguyễn Thanh Hóa việc thành khẩn khai báo luôn luôn là tình tiết giảm nhẹ. Ngay sau thời gian xét hỏi, bị cáo Hóa đã vào phòng y tế để chăm sóc sức khỏe và cuối buổi sáng của phiên xét xử thứ 11, theo báo cáo của luật sư bào chữa, HĐXX đã cho bị cáo Hóa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra sức khỏe… Chiều cùng ngày, Nguyễn Thanh Hóa có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa để điều trị tại bệnh viện.
Phan Văn Vĩnh: “Tôi đưa cả tổ ong vào tay áo”
Trong chiều 23/11, sau khi nghe phần đối đáp của luật sư và VKS, chủ tọa phiên tòa mời bị cáo Phan Văn Vĩnh lên bục khai báo. Tại đây, ông Vĩnh được dùng quyền tự tranh luận của mình để chia sẻ thêm một số vấn đề liên quan đến sai phạm của ông trong vụ án này.
Theo bị báo Phan Văn Vĩnh, sau khi nghe đại diện VKS đối đáp với luật sư của mình về những vấn đề, sai phạm mà bị cáo Vĩnh mắc phải, các luật sư của ông đã đưa ra các viện dẫn nhưng quá trình tạm giam thì không được tiếp cận. “Hôm nay tại tòa, tôi mới được nghe chính thức. Tôi xin trình bày thêm một số hành vi phạm tội của mình. Chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu một cách sâu sắc về bản chất vi phạm của mình, bản chất của sai phạm”, bị cáo Vĩnh nói và khẳng định trách nhiệm của bị cáo trước pháp luật.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh. Ảnh: Đạt Lê.
Ông Vĩnh chia sẻ, từ sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bị cáo đã trình bày quan điểm như VKS nêu. Cho rằng vi phạm của bản thân xuất phát từ lỗ hổng trong các văn bản liên quan đến Công ty CNC, ông Vĩnh lý giải về hình thức, các văn bản đó chỉ mang tính đề xuất nghiệp vụ. “Tôi đã làm trái công vụ, thực hiện quyền hạn khi lãnh đạo Bộ Công an chưa cho phép từ đó gây ra các tội khác. Điều này, dẫn đến việc Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương thực hiện hành vi gây hậu quả hết sức nghiêm trọng” - ông Vĩnh nói.
Về tội "Lợi dụng quyền hạn chức vụ trong thi hành công vụ" - ông Vĩnh thừa nhận và cho rằng: “Hậu quả này không chỉ ngày hôm nay mà còn kéo dài nữa đối với nhiều gia đình và xã hội, cần rất nhiều thời gian, rất lâu nữa mới có thể hàn gắn được”.
Nhận trách nhiệm về bản thân, bị cáo Vĩnh nói: “Sai lầm của bản thân còn khởi nguồn từ việc ký hợp thức hóa văn bản không số do Nguyễn Thanh Hóa trình. Sai lầm đó có thể gây ra hậu quả phi vật chất vô cùng nặng nề…. Tôi đã đưa cả một đàn ong, cả tổ ong vào tay áo mình. Tôi đã chủ quan, trách nhiệm đó thuộc về mình”.
Cựu Tổng cục Cảnh sát cũng gửi lời xin lỗi HĐXX, xin lỗi các bị can và gia đình của họ. Ông Vĩnh thành tâm xin nhận khuyết điểm: “Tôi rất mong Đảng, Chính phủ, ngành công an, đặc biệt là nhân dân hãy tha thứ cho tôi”…
Bị cáo Phan Văn Vĩnh do đã thừa nhận toàn bộ trách nhiệm và theo đề nghị của bị cáo này, các luật sư bào chữa sẽ dừng việc tranh luận với VKS. HĐXX đã ghi nhận về thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải của ông Vĩnh. Từ đó, cơ quan công tố đề nghị HĐXX áp dụng thêm 1 tình tiết giảm nhẹ là điểm s, khoản 1 Điều 51, BLHS đối với ông Phan Văn Vĩnh.