Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - TS Thang Văn Phúc: Hoàn thiện cách quản trị công mới từ chính quyền đô thị

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng chính quyền đô thị không chỉ ở mô hình tổ chức mà quan trọng là thẩm quyền và cách thức hoạt động, qua đó thúc đẩy các vấn đề then chốt trong tự chủ và tự quản, để quyết “việc dân” một cách nhanh nhất, sớm nhất. Đó là quan điểm được TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 S Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Quyết định nhanh gọn vấn đề của dân

Đầu năm 2021, Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội sẽ có hiệu lực, công tác chuẩn bị để đưa Nghị quyết vào thực thi đang hoàn tất. Với góc nhìn của người từng nghiên cứu về vấn đề này, quan điểm của ông ra sao trước một bước tiến được cho là đột phá này?

- Trước hết phải nói rằng, trong tổ chức bộ máy Nhà nước, chính quyền địa phương luôn là vấn đề được chú ý quan tâm vì tiếp xúc trực tiếp với người dân. Thực tế, từ đầu những năm 2000, trong chương trình cải cách hành chính tổng thể của Chính phủ đã tính đến áp dụng mô hình chính quyền đô thị thế nào để quản lý đô thị tốt hơn rồi. Chúng ta cũng đã có bài học từ các lần thí điểm, tôi rất mừng lần này Quốc hội đã quyết cho Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm, TP Hồ Chí Minh triển khai. Trong chừng mực nhất định, đây là bước tiến đồng bộ để hài hòa với sự hội nhập và phù hợp với mô hình quản trị công mới. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần này cũng đưa ra yêu cầu phải quản trị công hiện đại, điều đó là khác với quản lý trước đây, mà mô hình chính quyền đô thị là một giải pháp.
Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, trong bối cảnh TP hiện nay, mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước luôn được đặt ra. Việc triển khai Đề án về thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị cho Hà Nội chính là một “cú hích” cho mục tiêu ấy. Bởi hơn lúc nào hết, Hà Nội đang cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả sứ mệnh Thủ đô. Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian và tăng cường phân cấp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN. Quá nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn như hiện nay, chính quyền đô thị phải có những quyết định nhanh gọn. Không nên để một vấn đề tồn tại nhiều năm, xin ý kiến nhiều cấp vẫn không giải quyết xong.

Với đặc thù của Hà Nội và thực tế hiện nay, theo ông, để triển khai hiệu quả việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, có vấn đề gì cần lưu ý?

- Theo tôi, trước hết phải soi xét lại cả hệ thống chính trị và điều chỉnh cách thức hoạt động, mối quan hệ cho tương thích. Ví như vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng phát huy thế nào, các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động ra sao. Như trên đã nói, việc hình thành một cách quản trị công mới sẽ không thể để cách quản lý công cũ nữa, nên phải có sự rà soát, tuyên truyền cả về nhận thức và hành động để tạo sự đồng thuận.

Tiếp đó là chú trọng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Đây là công việc thực sự cấp thiết. Phải rõ từng cấp làm đến đâu, chức trách thế nào, thẩm quyền ra sao và những công việc của dân, DN đến cấp đó phải xong, không phải lại đẩy lên trên. Việc phân quyền để rõ về thẩm quyền của từng cấp mới kiểm điểm được, mới thể hiện được trách nhiệm, tránh việc đẩy, xin ý kiến khiến mọi việc chậm chạp, không giải quyết thỏa đáng. Từng cấp một có việc của mình, quyền của mình, trách nhiệm của mình trong quản trị công mới thực hiện được hiệu quả việc này.

Việc hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử như chúng ta đang làm cũng rất quan trọng, sẽ giúp tinh gọn bộ máy, thúc đẩy mọi việc nhanh hơn, cần làm mạnh mẽ hơn nữa. Một điểm cũng nên lưu ý, hiện hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội ở đô thị rất đặc biệt, có tính liên kết với nhau chặt chẽ chứ không chia cắt theo mỗi đơn vị hành chính. Chính quyền đô thị có tính thống nhất cao trong chỉ đạo, chỉ huy công việc, chứ không phải mỗi quận, phường có chính sách riêng. Hơn nữa, ở chính quyền đô thị cũng cho thấy sự nhanh nhẹn, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Với những đặc thù đó, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, cơ động, linh hoạt. Làm được như vậy, tính hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị mới đảm bảo; thực hiện công việc của dân, DN nhanh hơn, tốt lên.

Đồng thời, có một vấn đề tôi cũng luôn mong muốn, đó là việc thí điểm chỉ nên vài năm thôi, sau đó nên quyết để mô hình chính thức đi vào hoạt động. Bởi đây thực sự là đòi hỏi từ thực tế và cũng đã có nhiều nghiên cứu, thí điểm để điều chỉnh rồi.

Cán bộ là yếu tố rất quan trọng

Trong các vấn đề đặt ra, công tác cán bộ cũng là một vấn đề được quan tâm khi thực thi mô hình chính quyền đô thị. Ý kiến của ông trước vấn đề này ra sao?

- Đúng thế, vấn đề cán bộ phải được coi là cốt lõi và quan trọng nhất. Tôi thấy Hà Nội đã chuẩn bị tốt về vấn đề này. Hà Nội đang đi vào chiều sâu của quá trình sắp xếp và tinh giản biên chế. Vai trò của UBND các cấp, chất lượng của chính quyền địa phương đang được nâng lên, thể hiện ở việc chuyển từ mục tiêu quản lý, “xin - cho” sang mục tiêu phục vụ; chính quyền ngày càng biết “nhận lỗi” về mình trước dân, không còn việc “chính quyền luôn đúng”. Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo TP cũng có chuyển biến tích cực, thể hiện trách nhiệm, cầu thị, với những bước tiến sâu sắc, cụ thể hơn. Khi triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các vấn đề này cần tiếp tục làm mạnh hơn, để chấm dứt hẳn cơ chế “xin - cho”, khắc phục những kẽ hở của chính sách.

Đặc biệt, khi sang thời kỳ phát triển mới, TP cần chuyển phương thức quản lý từ trực tiếp sang gián tiếp, hướng dẫn bằng pháp luật, bằng công nghệ cao, thay vì “cầm tay chỉ việc” như trước. Muốn vậy, cần chuẩn bị có được đội ngũ cán bộ quản trị ở các cấp có trình độ cho tương xứng với chức năng nhiệm vụ mới, hay nói cách khác, hình thành một đội ngũ quản trị tinh thông và chuyên nghiệp… Đồng thời, phải thổi làn gió mới, tinh thần mới vào toàn hệ thống chính trị và thúc đẩy được cả người dân tham gia. Bởi xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là quyết tâm của các cấp lãnh đạo, mà còn là của toàn đội ngũ và người dân Thủ đô, bởi đây là sự thay đổi quản trị công lớn, xác lập lại thể chế vận hành mới của chính quyển các cấp.

Một vấn đề cũng hay được nhắc đến là lo ngại về “lỗ hổng” giám sát quyền lực với các cơ quan hành chính phường không tổ chức HĐND cùng cấp, thưa ông?

- Tôi lại không cho rằng đây là vấn đề cần lo ngại. Bởi không có HĐND cùng cấp, vẫn còn nhiều công cụ giám sát khác. Đó là Đảng ủy các cấp, MTTQ, người dân, báo chí, vẫn đề là cần thiết lập cơ chế giám sát phù hợp.

Trước hết, các cơ quan Đảng phải đề cao vai trò kiểm tra, giám sát, bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng có chức năng giám sát, phản biện xã hội với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức. Chúng ta cũng có kênh giám sát trực tiếp từ Nhân dân, cần phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Cuối cùng là sự giám sát của các cơ quan báo chí, truyền thông. Để thực hiện tốt các chức năng này, nên có những thể chế, quy định cho phù hợp với quyết định mới để nâng cao hiệu quả giám sát. Nói tóm lại, trong hệ thống thể chế hiện nay không thiếu các cơ quan để kiểm soát, giám sát, do đó không khó để thực hiện vấn đề này khi xây dựng chính quyền đô thị.

Xin cảm ơn ông!

"Xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là quyết tâm của các cấp lãnh đạo, mà còn là của toàn đội ngũ và người dân Thủ đô, bởi đây là sự thay đổi quản trị công lớn, xác lập lại thể chế vận hành mới của chính quyền các cấp." - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - TS Thang Văn Phúc