Nguyên Tổng Giám đốc ALCII lần 2 đối mặt với án tử hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số 11 bị can, có 5 bị can là bị án trong phiên tòa xét xử vụ "đại án" tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II; trong đó có Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALC II, bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt tử hình, hiện vụ án này đang xét xử phúc thẩm.

Ngày 5/7, được biết, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có cáo trạng truy tố 11 bị can trong vụ án "thổi giá" thiết bị lặn Tinro2 từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để  tham ô tài sản. Đáng lưu ý, trong số 11 bị can, có 5 bị can là bị án trong phiên tòa xét xử vụ "đại án" tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II  (Công ty ALC II); trong đó có Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALC II, bị Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM tuyên phạt tử hình, hiện vụ án này đang xét xử phúc thẩm; các bị can vừa là bị án giai đoạn I đã bị tuyên phạt từ 6 năm đến 14 năm tù giam...
Cảnh sát dẫn giải Vũ Quốc Hảo.
Cảnh sát dẫn giải Vũ Quốc Hảo.
Cáo trạng truy tố lần này, 11 bị can bị truy tố về tội "tham ô tài sản" theo khoản 4, Điều 278 Bộ luật Hình sự. Riêng bị can Vũ Quốc Hảo nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất.

Theo cáo trạng: Năm 2003, với mục đích rút tiền Nhà nước, Vũ Quốc Hảo cùng một số đồng phạm bàn bạc thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải (Công ty Cát Long Hải), có vốn điều lệ 16 tỷ đồng, nhưng thực tế vốn do Hảo đi vay hoặc phát sinh từ việc thuê tài chính với Công ty ALC II. Hảo biết một người nước ngoài đang sở hữu một thiết bị lặn tên hiệu Tinro2, sản xuất năm 1975, đang khai thác sử dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng thiết bị này không có hồ sơ pháp lý, chưa được đăng ký, đăng kiểm về hàng hải.

Để hợp thức thiết bị lặn Tinro2 trở thành tài sản của Công ty Cát Long Hải, tháng 6/2007, Phạm Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Long Hải (bị can trong vụ án này) đã thuê tàu biển chở thiết bị lặn Tinro2 ra địa phận cảng Hải Phòng, mục đích để lực lượng Hải quan kiểm tra, bắt giữ, sau đó xin mua lại thiết bị lặn Tinro2 thì mới có hồ sơ pháp lý cho thiết bị lặn này, làm cơ sở để đưa thiết bị lặn Tinro2 trở thành tài sản hợp pháp cho Công ty Cát Long Hải. Đúng theo tính toán của Hảo và đồng phạm, thiết bị lặn Tinro2 sau khi bị tạm giữ đã được sung công quỹ Nhà nước ở TP Hải Phòng.

Đến tháng 7/2007, thiết bị lặn Tinro2 được cơ quan chức năng Hải Phòng định giá bán 100 triệu đồng. Ngay sau đó Phạm Minh Tuấn đã liên hệ thủ tục để Công ty Cát Long Hải mua lại thiết bị lặn Tinro2 không qua đấu giá với mức giá nêu trên.

Với mục đích là sử dụng thiết bị lặn Tinro2 để xử lý nợ xấu cho 3 Công ty với công ty ALC II, trong đó có Công ty Cát Long Hải là "sân sau" của Hảo, Phạm Minh Tuấn và Lê Thị Minh Huệ, nguyên kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải (bị can trong vụ án này) đã đặt vấn đề với bị can Hoàng Lộc, giám định viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá Việt Nam (Vivaco) đề nghị Lộc nâng giá trị thiết bị lặn Tinro2 từ 100 triệu đồng lên khoảng 100 tỷ đồng để Công ty Cát Long Hải bán và thuê tài chính với Công ty ALC II.

Mặc dù biết rõ thiết bị lặn Tinro2 không đủ điều kiện để thẩm định giá do không có Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, tình trạng kĩ thuật, hư hỏng, không hoạt động được, nhưng Lộc vẫn chỉ đạo bị can Lê Phúc Đức, giám định viên Vivaco lập khống hồ sơ giám định, thẩm định giá, "phù phép" thiết bị lặn Tinro2 còn 85% chất lượng để Lộc ký ban hành Chứng thư thẩm định giá, kết luận thiết bị lặn có trị giá 130 tỷ đồng (cao gấp hơn 1000 lần so với giá trị thực).

Sau khi có được chứng thư nêu trên, Hảo chỉ đạo cho Công ty Cát Long Hải bán thiết bị lặn Tinro2 cho Công ty ALC II, sau đó thuê lại sử dụng. Số tiền giải ngân 130 tỷ đồng sẽ dùng để trả nợ ngân hàng cho Công ty TNHH Tô Châu và Công ty TNHH Cẩm Vân, nhằm rút các giấy tờ đất có diện tích hơn 89 ngàn mét vuông, thuộc khu đất Trạm dừng chân miền Tây (tỉnh Tiền Giang) của 2 công ty nêu trên. Trong đó, cơ quan điều tra xác định bị can Hảo đã sử dụng gần 79 tỷ đồng để mua số đất trên cho Công ty Cát Long Hải, thực chất là của Vũ Quốc Hảo...