Nguyện vọng chính đáng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, một số cơ quan báo chí, nhiều trang mạng xã hội nêu lại câu chuyện tòa nhà Bưu điện Hà Nội “bất ngờ bị đổi tên”.

Thông tin mới nhất, chiều ngày 6/11, Sở VH&TT Hà Nội đã chính thức có văn bản kiến nghị với UBND TP nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội cho tòa nhà 75 phố Đinh Tiên Hoàng. Một trong những lý do chính đó là từ lâu, đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô, đồng bào cả nước và cả bạn bè quốc tế. Biểu tượng đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã được khắc họa trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh, điêu khắc, hội họa...
Thực ra, chuyện đã từ nhiều tháng nay. Theo như giải thích của đại diện Công ty Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội- đơn vị quản lý tòa nhà), tháng 10/2015, biển chữ Bưu điện Hà Nội sau thời gian sử dụng gần 20 năm bị hỏng, có nguy cơ gây mất an toàn. DN đã tiến hành thay thế bằng hàng chữ VNPT Hà Nội, theo tên gọi của đơn vị. Thực tế, từ khi tiếp quản, VNPT Hà Nội vẫn luôn thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, chỉnh trang làm đẹp mặt ngoài toà nhà này theo nguyên bản gốc. Đồng hồ trên nóc toà nhà vẫn được bảo dưỡng để phát huy giá trị biểu tượng văn hoá trong quần thể khu vực Hồ Gươm.

Ngay thời điểm đó, công chúng và các cơ quan chức năng đã có phản ứng. Đầu năm 2016, Bộ TT&TT có văn bản nêu rõ, việc đổi dòng chữ Bưu điện Hà Nội thành “VNPT Hà Nội” đã không được dư luận người dân đồng tình, đồng thời yêu cầu trả lại dòng chữ Bưu điện Hà Nội. Sở VH&TT Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến Nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay cái tên Bưu điện Hà Nội vẫn chưa được trả lại. Công bằng mà nói việc một đơn vị quản lý, sử dụng tòa nhà đặt biển để quảng bá thương hiệu của mình là hợp lý. Mặt khác, nhìn vào lịch sử, tòa nhà này không phải kiến trúc nguyên bản của Bưu điện Hà Nội được xây dựng cách đây hơn một thế kỉ. Chuyện tòa nhà Bưu điện Hà Nội, một kiến trúc đẹp có tuổi đời gần trăm năm được thay thế bằng một kiến trúc mới không có gì đặc sắc đã từng khiến dư luận quan tâm, có ý kiến và đã là bài học sâu sắc cho việc hành xử với không gian kiến trúc Hồ Gươm, một bài học không chỉ VNPT Hà Nội cần ghi nhớ! Bởi dù đã được sửa chữa, hiện đại hóa, nhưng tòa nhà đã trở thành một phần của không gian Hồ Gươm. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn cùng hàng chữ Bưu điện Hà Nội đã trở nên vô cùng thân quen với nhiều người. Ở một góc độ nào đó, cái tên Bưu điện Hà Nội đã và đang là tài sản phi vật thể của Hà Nội chứ không là của riêng ai. Đó là chưa kể, thông thường ở các đô thị lớn, trên nóc các nhà bưu điện trung tâm thường đặt đồng hồ chỉ giờ như một chỉ dấu của cơ sở này. Hàng chữ VNPT Hà Nội đặt bên cạnh đồng hồ với chức năng đó xem ra không phù hợp. Cũng cần nói thêm rằng, ngoài cách mà VNPT Hà Nội đang thực hiện, còn khá nhiều cách để quảng bá thương hiệu. Mà cách tốt nhất là nâng cao chất lượng các dịch vụ mà đơn vị mình đang cung cấp cho khách hàng.

Các cơ quan thông tin đại chúng, các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa đã đưa nhiều lý lẽ nhằm thuyết phục VNPT Hà Nội “trả lại tên cho em”, thiết tưởng không cần nhắc lại. Chỉ xin nói thêm một điều: Trả lại dòng chữ Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà 75 phố Đinh Tiên Hoàng là nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân Hà Nội cùng cả nước. Vì vậy, thay dòng chữ VNPT Hà Nội trở lại thành Bưu điện Hà Nội cũng là một việc thuận lòng dân.

Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, báo Hànộimới cũng với mục đích quảng bá thương hiệu đã cho dựng hàng chữ Hànộimới đỏ chói trên nóc trụ sở 44 Lê Thái Tổ, một công trình kiến trúc ngay bên Hồ Gươm cũng đã nhận được sự “quan tâm” của dư luận người dân và các nhà chuyên môn. Rất may là hàng chữ đó đã được hạ xuống, để ở vị trí khiêm tốn hơn bên phải tòa nhà, không mấy tác động đến không gian Hồ Gươm cũng như bản thân công trình kiến trúc. Việc làm đó đã nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của những người yêu Hồ Gươm, yêu Hà Nội…

Xem ra VNPT cũng nên theo tấm gương trên mà hành xử. Chắc là sẽ được nhiều hơn mất!