Nhà báo cũng khốn khổ vì "giấy phép con"?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thiếu những chứng chỉ, văn bằng dành cho phóng viên, biên tập viên công tác trong ngành báo chí được đánh giá là thừa và thiếu tác dụng thực tế.

Khổ vì chứng chỉ
Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội, đặc biệt là giới giáo viên đang nóng lên bởi câu chuyện bất cập xung quanh yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đây được xem là điều kiện bắt buộc phải có để giữ hạng hoặc thăng hạng dành cho giáo viên, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của nhà giáo. Trường hợp "giấy phép con" tốn kém nhưng không có hiệu quả thực tế như vậy cũng không chỉ làm khổ cho giáo viên mà ngay cả các phóng viên, biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.
Cụ thể, để có đủ điều kiện thi hoặc xét tăng hạng, phóng viên và biên tập viên đang phải "gánh" hàng loạt các giấy tờ như: Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí - xuất bản trở lên, trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp, chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh biên tập viên - phóng viên hạng tương ứng, trình độ ngoại và tin học phải đạt chuẩn theo quy định.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, đối với những biên tập viên, phóng viên có bằng tốt nghiệp đại học khác chuyên ngành báo chí, xuất bản thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản từ 8 tuần trở lên. Chính yêu cầu bắt buộc này đã khiến nhiều nhà báo không tốt nghiệp chuyên ngành báo chí mặc dù đã có nhiều năm công tác trong nghề vẫn phải bỏ thời gian để đi học cho đủ thủ tục.
Được biết, nội dung trong lớp bồi dưỡng kéo dài 2 tuần này chủ yếu hướng dẫn học viên về các kiến thức chung, kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên ngành báo chí. Tuy nhiên, theo nhiều phóng viên, biên tập viên đã trải qua những lớp nói trên đều có chung cảm nhận là không có nhiều ý nghĩa thực tế.
Phóng viên T.T báo Công Lý cho biết, những kiến thức được đưa ra tại lớp bồi dưỡng chủ yếu liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực biên tập và xuất bản, những thành tựu mới, các sự kiện quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... Đây đều là những thông tin được đăng tải rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông cũng như bản thân phóng viên đã thường xuyên được cơ quan mình công tác quán triệt cũng như kinh nghiệm có được thông qua quá trình tác nghiệp.
Đối với phóng viên, biên tập viên mới vào nghề những lớp học bồi dưỡng thế này có thể có hữu ích nhưng đối với những nhà báo đã có nhiều năm kinh nghiệm thì thực sự là không cần thiết và tốn thời gian, phóng viên T.T khẳng định.
Tương tự, nhiều nhà báo cũng lên tiếng bức xúc về "giấy phép con" mang tên Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh biên tập viên - phóng viên. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc phải có nếu phóng viên, biên tập viên muốn thi nâng hạng. Để có được chứng chỉ này, phóng viên, biên tập viên phải bỏ ra khoản kinh phí từ 7 - 8 triệu đồng cùng thời gian học kéo dài từ 3 - 5 tuần.
Bản thân tôi đã công tác trong ngành báo chí được 15 năm, có nhiều tác phẩm đạt các giải báo chí, trình độ được đồng nghiệp cũng như tòa soạn công nhận, thậm chí còn đi thỉnh giảng tại nhiều lớp chuyên về báo chí mà nay nếu muốn thăng hạng nghề nghiệp lại phải bỏ tiền ra đi học lại những kiến thức dành cho sinh viên mới ra trường như trên, nhà báo V.V báo Nông nghiệp Việt Nam bức xúc.
Cần loạt bỏ "giấy phép con"
Để phóng viên, biên tập viên có thể tập trung thời gian và sức lực nhằm cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng dành cho độc giả cũng như đảm bảo mức thu nhập được trả xứng đáng, cần phải loại bỏ các "giấy phép con" trong việc thi nâng hạng, nhà báo T.Đ Tạp chí Hòa Nhập nói.
Những thứ như chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh biên tập viên - phóng viên, chứng nhận thông qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí - xuất bản... chỉ phù hợp với những bạn trẻ mới ra trường chứ hoàn toàn không có mấy giá trị với những người làm báo lâu năm. Liệu có tác dụng gì khi bắt một phóng viên, biên tập viên kỳ cựu được cả đồng nghiệp lẫn độc giả công nhận về chuyên môn phải đi học những kiến thức cơ bản của báo chí?, nhà báo T.Đ đặt câu hỏi.
Những bức xúc của giới báo chí về các "giấy phép con" như trên không phải là mới mà thực tế đã kéo dài từ nhiều năm. Tuy nhiên, phải tới gần đây khi vấn đề tương tự đối với ngành giáo dục được làm nóng tại nghị trường Quốc hội thông qua phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về việc sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức thì những "nhiêu khê" này mới được các Bộ, ngành nhìn nhận một các nghiêm túc.
Được biết, là cơ quan quản lý lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT đã có những bước đi đầu tiên nhằm loại bỏ từng bước các "giấy phép con" đang bủa vây nhà báo. Cụ thể, trong dự thảo Thông tư mới nhất của Bộ TT&TT về Hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành TT&TT, trong hồ sơ không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Cụ thể, dự thảo Thông tư đã chỉ rõ, đối với yêu cầu về ngoại ngữ và tin học, người dự thi hoặc xét thăng hạng chỉ cần “có trình độ” tương ứng chứ không quy định “có chứng chỉ”. Bên cạnh đó, người tham gia dự thi sẽ được miễn thi ngoại ngữ hoặc tin học nếu có bằng tốt nghiệp là bằng cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi.
Hy vọng trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục loại bỏ những "giấy phép con" không có nhiều giá trị còn lại nhằm cởi bỏ "gánh nặng" cho phóng viên, biên tập viên. Bởi chính sự đánh giá từ độc giả, đồng nghiệp, toà soạn thông qua các tác phẩm báo chí mới là thực chất nhất dành cho nhà báo chứ không phải nằm ở những tờ chứng nhận mà ai cũng có thể có được thông qua các lớp học được tổ chức gần như chỉ là thủ tục.