Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo và chuyện ứng xử với mạng xã hội

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự phát triển của truyền thông xã hội và báo chí kỹ thuật số, tầm ảnh hưởng của người làm báo với lợi thế nắm bắt thông tin nhanh nhạy, truyền tải đến công chúng ngày càng tăng cao. Thế nhưng gần đây, có tình trạng một số nhà báo hoặc người mang danh nhà báo sử dụng mạng xã hội (MXH) với mục đích cá nhân, phát ngôn gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Ảnh: Duy Linh
Hình ảnh nhà báo bị méo mó
Những năm gần đây, MXH đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Đồng thời, phóng viên, nhà báo sử dụng các MXH để chia sẻ thông tin cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, thời gian qua, nhiều nhà báo đã làm tốt chức năng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, mang tính tích cực. Ngược lại, một số nhà báo đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt ảnh hưởng tới dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực.

Tất cả những điều luật, quy định hay nguyên tắc đều là công cụ, kim chỉ nam để những người làm báo tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, bản thân mỗi nhà báo cần luôn ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp, tu dưỡng đạo đức báo chí.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức

Từ năm 2016 - 2018, đã có hàng chục nhà báo bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo, trong số đó có trường hợp vì những phát ngôn mà họ đăng tải, chia sẻ trên Facebook. Các sai phạm của một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực báo chí trên MXH gần đây cho thấy, đôi khi sự tiện dụng của MXH bị lợi dụng, trở thành “sân chơi” cho những động cơ thiếu trong sáng để phát ngôn sai trái dưới danh nghĩa là “tự do ngôn luận”. Thông tin phản cảm như hình ảnh một nhà báo bên nhiều cọc tiền lẻ, trên một ô tô chuẩn bị đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy đã tạo ra tác động và hệ lụy tiêu cực với những “like dạo” và comment (bình luận) ngợi ca từ người theo dõi trang cá nhân. Thậm chí, một số nhà báo trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam còn “khoe” trên Facebook hình ảnh gặp gỡ đối tác với một chiếc bánh mì kẹp đầy tiền. Những hình ảnh, cách sử dụng MXH đó có thể với mục đích khác nhau nhưng đã khiến nhiều người lo ngại về văn hóa ứng xử của một bộ phận người làm báo, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người làm báo.
Đặc biệt có hiện tượng, người làm báo thể hiện quan điểm trên bài viết một đằng nhưng trên MXH họ lại bày tỏ góc nhìn, quan điểm theo cách khác. Cách làm báo được nhiều người ví von là “hai mặt” này khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang để xác định đâu là thông tin đúng – sai. Bên cạnh đó, đã có một số trang (fanpage), nhóm (group) được lập ra với mục đích để chia sẻ thông tin cũng đã bị một số nhà báo lạm dụng để công kích người không đáp ứng yêu cầu của họ, thậm chí lập nhóm để “vừa đánh, vừa xoa” nhằm mục đích trục lợi. Khi được thỏa mãn yêu sách, họ sẵn sàng gỡ bài, xóa trạng thái, thậm chí quay ngoắt sang ca tụng người trước đó mà họ mạt sát nặng nề.
Chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp
Liên quan đến các quy định sử dụng MXH đối với người làm báo của những tờ báo, hãng tin lớn trên thế giới như Washington Post, Reuters, AP, AFP… đều có các quy định riêng. Trong đó, Washington Post quy định: Khi sử dụng các MXH như Facebook, Twitter... để đưa tin hay đăng tải thông tin đời sống cá nhân vẫn phải bảo đảm tính liêm chính. Các thông tin đăng tải trên tài khoản MXH của phóng viên tờ Washington Post cần phải được xác minh bởi phòng biên tập tin tức. Mỗi bình luận và liên kết chia sẻ đều được coi là phát ngôn chính thức, bất kể thông tin đó được cài đặt ở chế độ quyền riêng tư.
Hãng tin AFP cũng công bố bản Hướng dẫn phóng viên sử dụng truyền thông xã hội gồm 4 chương: Quản lý trang cá nhân, hướng dẫn cách hành xử khi đăng nhập tài khoản trực tuyến, những nội dung được phép đăng tải, đăng tải các nội dung của AFP. Trong đó nêu rõ, các nhà báo cần phải quản lý các thông tin đăng tải trên Facebook, Twitter cá nhân, chịu trách nhiệm pháp lý trước các vấn đề phát sinh từ nội dung đó.
Ở Việt Nam, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1/2019 (gồm 3 chương và 7 điều) cũng quy định rõ chuẩn mực, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia MXH. Trong đó, quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH.