Nhà đầu tư đua nhau bán tháo, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tồi tệ nhất từ năm 1987

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tiếp tục lao dốc mạnh, với Dow Jones sụt gần 10%, chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987.

Chứng khoán Mỹ sụt thê thảm trong ngày 12/3, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều thất bại trong việc xua tan những lo ngại về sự suy giảm kinh tế do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, dẫn đến đà giảm điểm lịch sử trên thị trường Mỹ.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987 trong ngày 12/3.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tiếp tục “bay” 2.352 điểm (tương đương gần 10%) còn 21.200,62 điểm, ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường “Ngày thứ Hai Đen tối” năm 1987, khi đó chỉ số này đã lao dốc hơn 22%.
S&P 500 mất 9,5% xuống 2.480,64, cùng Dow Jones rơi vào “thị trường gấu”, tức giảm 20% so với mức đỉnh thiết lập trước đó. Chỉ số S&P 500 cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 9,4% còn 7.201,80 điểm.
Trong phiên giao dịch, các chỉ số chính ngay lập tức dừng đà lao dốc sau khi FED tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động tài trợ qua đêm lên tới hơn 500 tỷ USD trong ngày 12/3. FED tuyên bố sẽ cung cấp thêm các hoạt động vay ngắn hạn với tổng giá trị 1.000 tỷ USD vào ngày 13/3, đồng thời mở rộng nhiều loại hình chứng khoán mà ngân hàng này sẽ mua bằng dự trữ.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ nhanh chóng lại chạm mức đáy trong phiên khi giới đầu tư chưa an tâm và tiếp tục kỳ vọng vào các biện pháp tích cực hơn để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng tại nước này.
Đà bán tháo tăng mạnh trong phiên này, giao dịch trên sàn Phố Wall đã bị tạm ngừng một thời gian ngắn sau khi thị trường mở cửa khoảng 15 phút. Mặc dù vậy, theo dữ liệu từ FactSet, chỉ số Dow Jones vẫn tiếp tục ghi nhận phiên tồi tệ thứ 5 trong lịch sử, khi ngay cả phiên giảm mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng không đạt đến mức độ này.
Trong khi đó, chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 sụt 11%. Giá vàng giảm, giá dầu cũng lao dốc mạnh. Ngay cả trái phiếu Chính phủ Mỹ, một kênh trú ẩn an toàn đáng tin cậy trong các đợt bán tháo, cũng suy yếu vào ngày thứ Năm.
Cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian tại Allianz cảnh báo: “Chúng ta đang tiến sát đến cuộc suy thoái toàn cầu. Sau những gì biến động trong những ngày vừa qua, sẽ tiếp tục có thêm những đợt giảm sốc trên thị trường tài chính”.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh cấm tạm thời đi lại từ châu Âu trong 30 ngày như một phần của phản ứng của chính phủ trước sự bùng phát dịch Covid-19. Ông Trump cũng cho biết chính quyền sẽ cung cấp cứu trợ tài chính cho những người lao động bị nhiễm bệnh, phải chăm sóc người khác do mắc virus SARS-CoV-2 hoặc bị cách ly.
Tuy nhiên, những tuyên bố trấn an của ông Trump không đủ đối với nhà đầu tư, những người đang tìm kiếm một phản ứng tài chính rõ ràng hơn để giải quyết đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế do tác động từ dịch bệnh.
Chỉ số S&P 500 chính thức bước vào “thị trường gấu” trong ngày 12/3 lao dốc hơn 26% từ mức cao kỷ lục đã xác lập vào tháng trước. Dow Jones đã kết thúc “thị trường con bò” lịch sử kéo dài 11 năm ở phiên trước đó. “Thị trường gấu” đánh dấu đà sụt giảm 20% từ các mức cao mọi thời đại.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt lên hơn 76 và chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.
Tâm lý lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 tại Mỹ càng gia tăng sau thông báo hôm 11/3 nói rằng Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia tạm ngừng mùa giải của mình sau khi vận động viên Utah Jazz dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngôi sao điện ảnh Tom Hanks cùng vợ, Rita Wilson cũng cho biết họ xét nghiệm dương tính với virus nói về cuộc tấn công suy thoái toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần