Nhà đầu tư lại đẩy mạnh bán tháo, chứng khoán Mỹ - châu Á chìm trong sắc đỏ

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đi xuống, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều mất điểm trong phiên 8/4 khi nhà đầu tư đồng loạt đẩy mạnh bán ra.

Chứng khoán châu Á trái chiều
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 8/4 sau khi các quốc gia trong khu vực tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19.
Hầu hết cổ phiếu tại thị trường châu Á đều sụt giảm trong phiên 8/4.
Phần lớn cổ phiếu tại thị trường châu Á đều giảm mạnhsau 2 phiên tăng mạnh khi nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro do cảm thấy bất an với diễn biến lây lan nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Tại Mỹ, trong khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 dường như có dấu hiệu chững lại ở bang New York, song số người chết vì dịch Covid-19 tại Mỹ đã tăng kỷ lục lên hơn 1.800.
Chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm điểm với chỉ số Shanghai Composite mất 0,32% còn Shenzhen Composite trượt 0,313%. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 0,99%.
Sau những giờ sụt giảm ở đầu phiên, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trở lại với chỉ số Nikkei 225 nhích 0,96% còn chỉ số Topix phục hồi tăng 0,74%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi đi ngang sau khi sụt 0,2% ở đầu phiên. Trong khi đó, chứng khoán Australia cũng nhuốm đỏ với S&P/ASX 200 mất 0,6%. Chỉ số chứng MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,37%.
Ngoài diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới, các biện pháp chống dịch của các quốc gia trong khu vực cũng là tâm điểm chú ý của giới đầu tư cổ phiểu trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 7/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch Covid-19 hoành hành tại Tokyo và 6 địa phương khác, còn Singapore đã thông qua một bộ luật cấm tụ tập và hội họp ở mọi quy mô ở cả khu vực riêng lẫn khu vực công.
Trong khi đó, Trung Quốc hôm nay 8/4 chính thức gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, sau lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 23/1.
Theo số liệu của trường Đại học John Hopkins, thế giới đã ghi nhận hơn 1,4 triệu người nhiễm bệnh Covid-19 và ít nhất 81.000 người tử vong.
Dow Jones giảm nhẹ, xóa sạch đà leo dốc 900 điểm đầu phiên
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 7/4, xóa sạch đà tăng mạnh từ phiên ngày hôm trước, khi thị trường Phố Wall thận trọng với những thông tin mới nhất về sự bùng phát dịch Covid-19.
Chốt phiên phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones hạ 26,13 điểm (tương đương 0,1%) xuống 22.653,86 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên đã leo dốc tới 937,25 điểm (tương đương 4,1%). Chỉ số S&P 500 sụt 0,2% xuống 2.659,41 điểm sau khi tăng vọt hơn 3%. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống còn 7.887,26 điểm sau khi tăng 3% trong phiên trước đó. Chứng khoán Mỹ đảo chiều trong phiên giao dịch này sau phiên phục hồi mạnh, với Dow Jones ghi nhận mức tăng điểm mạnh thứ 3 kỷ lục.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 7/4. 
Các chỉ số chính tăng mạnh ở đầu phiên nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư về diễn biến đại dịch Covid-19.
Ngày 7/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết tỷ lệ tử vong đã chững lại, cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả. Bang New York ghi nhận 599 ca tử vong mới trong ngày 6/4, xấp xỉ con số 594 ca hôm 5/4 và giảm từ mức kỷ lục 630 trước đó 1 ngày.
Italia và Tây Ban Nha - 2 trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19, cũng ghi nhận sự sụt giảm về số ca nhiễm mới. Tại châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ trước đó đã cảnh báo Covid-19 có thể giết chết 100.000 - 240.000 người ở Mỹ, ngay cả trong trường hợp khả quan nhất khi các biện pháp cách biệt cộng đồng được tuân thủ.   
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Washington dự báo số người chết vì dịch Covid-19 tại Mỹ có thể lên gần 82.000 người vào đầu tháng 8, thấp hơn so với dự báo trước đó.
Một số nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán đã quá tích cực so với những tác động thực tế mà dịch Covid-19 có thể gây ra. Những dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị ảnh hưởng mạnh trong quý II.  Các chỉ số chính đã vọt khoảng 20% từ mức đáy xác lập vào ngày 23/03/2020.
"Hiện tại, rủi ro sụt giảm đang lớn hơn cơ hội tăng giá", David Kostin, chiến lược gia trưởng của Goldman Sachs, cho biết. "Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng quý IV/2018 đã có nhiều đợt phục hồi, đã có những lần thị trường trở lại tới 20%. Nhưng thực tế, đáy chỉ được xác nhận vào tháng 3/2009".
Alex Chalekian - Giám đốc điều hành của Lake Avenue Financial, nhận định: "Mối quan tâm lớn nhất của tôi lúc này là tránh đà giảm của thị trường. Chúng ta sẽ thấy cơ hội và tận dụng chúng. Tuy nhiên, trong lúc này, không có gì phải vội vàng để quay trở lại thị trường".
“Nguy cơ chìm trong sắc đỏ lớn hơn cơ hội tăng điểm từ điểm chúng ta đang đứng ngày hôm nay”, David Kostin, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Goldman Sachs, nhận định.