Nhà đầu tư phấn khích nhờ FED, chứng khoán toàn cầu khởi sắc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số chứng khoán thế giới đã tăng gần sát mức cao nhất trong phiên giao dịch ngày 20/6 sau khi Cục Dự trữ Liên bang báo hiệu có thể cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Lãi suất của trái phiếu Mỹ và tỷ giá đồng USD lao dốc trong phiên này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 19/6 phát tín hiệu sẵn sàng có đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008 do nền kinh tế Mỹ đang đối mặt những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại. Giảm lãi suất sẽ là một nỗ lực của ngân hàng trung ương này nhằm duy trì chuỗi thời gian tăng trưởng dài kỷ lục của kinh tế Mỹ.
 Chứng khoán thế giới tăng mạnh trong phiên 20/6 sau khi FED kết thúc họp.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày hôm 19/6, Chủ tịch FED Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong khoảng 2,25-2,5%. Việc giữ nguyên lãi suất này không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong tuyên bố sau cuộc họp là FED không còn sử dụng từ "kiên nhẫn" để nói về chủ trương chính sách tiền tệ. Đây là từ mà FED đã sử dụng trong các cuộc họp từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, FED cũng hạ thêm dự báo lạm phát ở Mỹ dưới ngưỡng mục tiêu 2% trong 2019.
Lãi suất tương lai của Mỹ đang phản ánh khả năng 100% FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7, và khả năng 74% FED hạ lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2019.
Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,2% trong khi chỉ số Nikkei 225 của  Nhật Bản Nikkei nhích 0,5%.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI, bao gồm 49 thị trường cổ phiếu trên toàn thế giới, cũng tăng 0,2% trong phiên 20/6 sau khi giảm mạnh trong tháng trước do Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế quan mới đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Những thông tin từ truyền thông Mỹ cho biết, Trung Quốc và Mỹ đang quay trở lại bàn đàm phán sau khi gián đoạn trong 6 tuần cũng thúc đẩy nhà đầu tư lựa chọn tài sản rủi ro.
Sự phục hồi của chứng khoán châu Á diễn ra sau thông tin một loạt các ngân hàng trung ương trong khu vực ​​tổ chức các cuộc họp chính sách trong ngày 20/6 và được kỳ vọng sẽ có nhiều động thái hướng tới việc thiết lập chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Tại sàn Phố Wall, các chỉ số chính đồng loạt đi lên sau cuộc họp của FED với chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 2.926 điểm, chỉ kém 19 điểm là đạt mức tăng kỷ lục thiết lập trong phiên giao dịch hôm 30/4.
Nhà kinh tế cấp cao Robin Anderson tại Des Moines, Iowa (Mỹ) cho biết: “Dường như Fed đang nỗ lực tìm mọi cách để tránh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Nhiều nhà đầu tư nhận định rằng FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất nếu Washington và Bắc Kinh đạt được một số bước tiến trong cuộc đàm phán thương mại song phương.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết ông sẽ có cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka (Nhật Bản) vào giữa tuần tới.
Tuyên bố sau cuộc họp của FED nói rằng trong bối cảnh những bấp bênh gia tăng và áp lực lạm phát thấp, FED "sẽ theo dõi chặt chẽ các ảnh hưởng của những thông tin trong thời gian tới đói với triển vọng kinh tế và sẽ hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng".
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã phục hồi trong vài ngày qua với hy vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 trong tuần tới.

Tỷ giá đồng NDT ở thị trường nước ngoài hiện ở mức 1 USD đổi được 6,8911 NDT, sau khi đạt mức cao nhất trong 5 tuần lên 6,8880 NDT trong phiên trước đó.
Tỷ giá đồng USD giảm so với đồng yen Nhật, chạm mức thấp nhất trong 5 tháng xuống còn 107,72 yen../.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần