Nhà ế vì hạ tầng kém

Gia Tuấn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những căn hộ có mức giá dưới 1 tỷ đồng được xác định thuộc phân khúc nhà giá rẻ. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Nguyễn Văn Đực thẳng thắn: “Chúng ta thường hay gộp nhà bình dân và giá rẻ là một. Trong khi, thực tế, để mua được một căn hộ bình dân, người thu nhập thấp phải xoay thêm ít nhất 500 – 700 triệu đồng”.

Khách hàng tham khảo dự án nhà ở xã hội The Vesta. Ảnh: Chiến Công
Tình hình chung của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều khó tìm căn hộ tầm giá 14 triệu đồng/m2. Nếu có, tiền chênh đóng thêm cũng “dôi” thêm vài trăm triệu đồng. Ông nhận định ra sao về thực tế này?
- Nếu không linh hoạt thay đổi cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, không loại trừ trường hợp nhà giá rẻ có thể biến mất trên thị trường. Thường giá nhà cao gấp 6 lần tổng thu nhập của một hộ gia đình trong vòng một năm được coi là chấp nhận được. Ví dụ, hộ gia đình có tổng thu nhập là 10 triệu đồng/tháng nghĩa là 120 triệu đồng/năm. Một căn hộ được coi là rẻ với vợ chồng này khi có giá khoảng 720 triệu đồng (gấp 6 lần tổng thu nhập trong vòng một năm). Nhưng hiện nay, rất khó tìm được nhà cỡ 700 triệu đồng để ở. Bởi, căn hộ chung cư giá thấp hiện nay cũng phải 1 tỷ đồng. Chưa kể, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây cũng đã kết thúc. Người mua nhà khó có kênh vốn hỗ trợ nguồn vay ưu đãi cố định.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhà giá rẻ có mức chênh cao như vậy. Một số giả thiết được đặt ra là do khan hiếm nhà giá rẻ hoặc bởi chủ đầu tư bán căn hộ cho nội bộ. Các đối tượng này không có nhu cầu, sẽ nhờ các nhân viên môi giới bán chênh với giá cao hơn. Điều này càng chứng tỏ, nhà giá rẻ khan hiếm, vì thế, người ta lợi dụng nó để nâng giá.

Nhưng dự án nhà giá cao hay giá rẻ cũng đều tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể như một số dự án nhà ở xã hội giá rẻ ở khu vực Quốc Oai của Hà Nội đến nay vẫn “ế chỏng chơ”, dù giá mềm, thưa ông?

- Thật ra, nhìn vào thị trường hiện nay, cả nhà giá rẻ và nhà giá đắt đều có vấn đề. Tuy nhiên, so với các dự án nhà thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, nhà giá rẻ “đi đến nơi, về đến chốn" hơn. Trong khi, nhiều dự án nhà giá cao không bán được, nếu có chỉ bán được khoảng 30 - 50% hoặc đắp chiếu, thì nhà giá rẻ vẫn khá nóng sốt. Khả năng cạnh tranh, hoàn thành dự án của loại hình này cũng lớn hơn. Người dân tham gia đóng tiền vào các dự án này cũng có tỷ lệ lớn hơn, so với nhà giá cao. Điều này chứng tỏ thị trường đón nhận loại hình chung cư giá thấp và có phản ứng ngược lại với những sản phẩm giá không phù hợp.

Còn nhà ở xã hội ế là hệ quả của việc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đa phần, người thu nhập thấp họ đều khao khát chỗ ở. Song, chỗ ở không thuận lợi cho các hoạt động phục vụ mục tiêu mưu sinh, con cái học hành, họ vẫn chấp nhận thuê nhà ở trung tâm hơn là dịch chuyển ra xa. Bài toán hạ tầng phải đi trước nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ cần phải chú trọng từ bài học nhãn tiền này.

Ông từng tiên phong xin cơ chế linh động diện tích xây dựng nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ (dưới 40m2). Liệu đây có phải hướng đi đột phá để tháo "điểm nghẽn" thị trường này?

- Nếu coi những khuôn mẫu, quy định diện tích nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ là một đôi giày thì các DN muốn làm các sản phẩm này phải gọt chân mình đi cho vừa đôi giày đó. Người ta chỉ có đo ni đóng giày, chứ không ai đi gọt chân cho vừa đôi giày. Lý do này khiến thị phần nhà giá rẻ chủ yếu là các DN Nhà nước làm, còn phần đông các DN tư nhân lơi là.

Trước đây, căn hộ chung cư có diện tích 70 - 80m2 chủ đạo trên thị trường. Hiện, cần linh hoạt cho các căn hộ có diện tích 30 - 50m2. Nếu được, tôi tin rất nhiều DN đầu tư vào loại căn hộ này vì sẽ bán rất chạy khi mức giá vừa túi tiền, lại có thể có vốn dư đầu tư hạ tầng, giúp hàng triệu người dân có nơi an cư lạc nghiệp. Thậm chí, có thể kéo giãn dân cư ra vùng ven, giảm áp lực cho nội đô.

Xin cảm ơn ông!