Nhà giá rẻ vẫn tư duy "dựa hơi" Nhà nước

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là câu trả lời đáng chú ý của các chuyên gia tại hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao.?” vừa diễn ra vào sáng 15/11.

GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn phân tích, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, chưa vận động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước. Hệ quả là không ít dự án đang bị “hụt hơi” sau khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc. Chủ đầu tư không thể đi vay tín dụng với lãi suất lớn để thực hiện khi biết chắc không có lợi nhuận. Từ đó, mới kéo theo câu chuyện hàng trăm người dân mua nhà ở bình dân tại một dự án khốn khổ vì chủ đầu tư tuyên bố sắp phá sản (!?).
 Thống kê sơ bộ, tới năm 2027 vẫn còn thiếu nhà ở xã hội.
Cũng theo giới chuyên gia xây dựng, việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới chỉ là giải pháp chính, hiệu quả để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân. Cần tiếp tục xây dựng cơ chế với nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết vấn đề xã hội, thay vì việc đi theo chính sách phát triển nhà ở xã hội mang tính bao cấp như hiện nay.
Ở góc độ DN có kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, ông Đinh Quốc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho rằng, hiện chủ đầu tư đã linh động “gọt” diện tích căn hộ nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua. Để sở hữu 1 căn hộ tại Mường Thanh, người mua nhà chỉ cần vốn ban đầu chưa đến 200 triệu đồng đã có thể sở hữu căn hộ, sau đó, khách hàng sẽ được ngân hàng hỗ trợ vay vốn đến 70% giá trị căn hộ.
“Do đó, chính quyền cần linh động trong việc điều chỉnh hệ số sử đụng đất, đặc biệt ưu tiên việc tăng hệ số sử đụng dất với những khu đô thị mới, có hạ tầng đồng bộ. Bộ Xây dựng và các tỉnh thành phố nên nghiên cứu và cho phép xây dựng các căn hộ có diện tích dưới 45m2 tại những khu vực phù hợp hơn” – ông Đinh Quốc Thắng khuyến nghị.
Vị đại diện Tập đoàn Mường Thanh này còn đề xuất, Nhà nước nên nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở. Tương tự như quy định % dành cho nguồn nghiên cứu khoa học (Ví dụ: 0,5 - 1% GDP) hoặc dành ngân sách nhà nước cố định 5 năm, hàng năm cho phát triển nhà ở (cả ngân sách Nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương). Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ từ 1 đến 4% lãi suất vay mua nhà trong vòng 10 - 20 năm lấy từ các quỹ tiết kiệm nhà ở.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, trong 11 tháng của năm 2018, tình hình thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều chuyển biến mạnh. “Bốn tháng đầu năm tăng trưởng mạnh do có những yếu tố nội sinh và ngoại sinh gắn với sự bùng phát của thị trường chứng khoán cũng như các yếu tố khác. Bốn tháng tiếp theo điều chỉnh do sự điều chỉnh về nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, đặc biệt là sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Ba tháng tiếp theo phát triển bình ổn đi vào giai đoạn tìm xu hướng mới. Luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản tương tác rõ nét với biến động của thị trường. Sản phẩm trung và cao cấp chiếm ưu thế rõ nét trên tổng thể thị trường bất động sản” - ông Cung phân tích.