Nhà giáo thêm gánh nặng sổ sách

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo về chuẩn giáo viên phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến dư luận. Một số ý kiến cho rằng, nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí còn chồng chéo với các quy định khác, có những tiêu chí quá cao, không thực tế so với thực trạng hiện nay.

Theo cô Nguyễn Thu Hà – giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, việc có chuẩn nghề nghiệp giáo viên là cần thiết. Qua đó, mỗi giáo viên tự soi mình để điều chỉnh. Tuy nhiên, việc có thêm một chuẩn mới sẽ làm tăng áp lực, gánh nặng hành chính sự vụ cho giáo viên. Trong dự thảo yêu cầu mỗi năm giáo viên tự đánh giá định kỳ, 3 năm thì trường đánh giá. “Cứ vào mỗi dịp cuối năm, chúng tôi biết bao công việc không tên về các loại hồ sơ đánh giá, nay lại thêm hồ sơ chuẩn giáo viên nữa, vất vả vô cùng” - cô Hà chia sẻ.

Cô Hà cũng cho biết, hiện nay, để đánh giá, xếp loại giáo viên sau mỗi năm học, có rất nhiều loại văn bản hướng dẫn khác nhau, nhiều khi chồng chéo. Chẳng hạn xếp loại viên chức theo Nghị định 56 Chính phủ (năm nay sửa đổi bằng Nghị định 88 Chính phủ); Đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT; Xếp loại tay nghề giáo viên qua 3 phiếu dự giờ của Tổ trưởng, Ban giám hiệu; Giáo viên phải thao giảng 2 tiết theo quy định của Bộ; Kiểm tra các chuyên đề hàng năm; Hiệu quả đào tạo của giáo viên trong năm học… Nhưng, nếu dự thảo chuẩn giáo viên được ban hành chính thức thì giáo viên lại thêm một lần đánh giá nữa. “Theo tôi, chỉ cần mình đánh giá viên chức theo Nghị định 56 của Chính phủ đã bao hàm tất cả. Bởi có cả về đạo đức, phẩm chất chính trị, hiệu quả công việc”. Hơn nữa, trong 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí thì có tới 13 tiêu chí chồng lấn trong Nghị định 56 của Chính phủ và Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Ngoài ra, quy định đánh giá chuẩn giáo viên phải thêm phần minh chứng. Nhưng, lấy gì làm minh chứng cho phần lớn những tiêu chí Bộ quy định rất mơ hồ, trừu tượng. Vì thế, dự thảo chuẩn giáo viên vẫn đang rất xa so với thực tiễn hoạt động của giáo viên phổ thông và vô tình lại tăng thêm gánh nặng sổ sách cho nhà giáo. “Có ai thấu hiểu cho chúng tôi, nhà giáo đang sống tằn tiện, nhọc nhằn đứng lớp với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, trong khi muôn vàn áp lực trong công tác dạy học. Bao giờ có “chuẩn lương giáo viên” song song với “chuẩn giáo viên” để chúng tôi bớt vất vả lo toan” - cô Hà băn khoăn.