Nhà giáo Thủ đô “đi trước, đón đầu” để hội nhập

Đức Trung (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều năm liền, Hà Nội luôn giữ vững vị trí số 1, “đầu tàu” cả nước về chất lượng GD&ĐT.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về những thành quả cũng như mục tiêu nâng chất lượng GD&ĐT.
Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật mà thầy và trò ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được trong năm học qua?

- Có thể nói, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đã được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành học, tạo nên những chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục. Một minh chứng rõ nét là học sinh (HS) Thủ đô giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải với 146 giải (trong đó có 11 giải Nhất). Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, HS THPT giành được 21 giải và huy chương. Ở các cuộc thi quốc tế và khu vực dành cho HS cấp THCS, HS Hà Nội đã giành được hơn 160 huy chương các loại...

Đáng chú ý, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học có nhiều đổi mới. Đó là việc triển khai tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 từ năm học 2016 - 2017 trên toàn TP. Với khoảng 1 triệu HS phổ thông, Hà Nội đang tiến tới việc quản lý điểm, học bạ điện tử, kết nối với Cổng thông tin của TP và có thể cung cấp tài khoản cho phụ huynh truy cập để có thể theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con em mình ngay từ năm học này. Bên cạnh đó, xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, Hà Nội đã triển khai mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao, đã có 15 trường tham gia ở các loại hình trường và các cấp học…

Để đạt được mục tiêu đó, không thể không nói tới vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thưa ông?

- Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho giáo dục Thủ đô phát triển bền vững. Chúng tôi luôn kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, giáo viên (GV). Hà Nội là địa phương có tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Tỷ lệ GV được công nhận GV dạy giỏi các cấp học cao. Những năm gần đây, thực hiện phương châm “Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao”, nhiều biện pháp quản lý được áp dụng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong các nhà trường.

Tình trạng quá tải trường học đang xảy ra ở nhiều địa bàn, đặc biệt là khu vực nội thành. Hà Nội có chủ trương gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

- Năm học 2017 - 2018, mạng lưới các trường học trên địa bàn TP tiếp tục phát triển với gần 2.700 trường học, gần 53.000 nhóm lớp với hơn 1,8 triệu HS, tăng 42 trường so với năm học trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Nhằm giải quyết tình trạng quá tải, chúng tôi đang hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ hoàn thiện để trình Thường trực Thành ủy, UBND TP phê duyệt, trong đó chú trọng điều kiện diện tích xây dựng trường phù hợp ở mỗi phường, xã, quận, huyện.

Dự kiến, từ năm 2019 sẽ thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Hà Nội chuẩn bị thế nào cho việc này?

- Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Hà Nội chuẩn bị 2 nội dung. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT có khung chung, nhưng từng địa phương, nhà trường sẽ đưa ra khung riêng trên nền tảng khung chương trình đã quy định. Thứ hai, cần phát triển kỹ năng nghề của nhà giáo. Bên cạnh đó, phát triển nâng cao phẩm chất của nhà giáo, dạy HS bằng phẩm chất của chính mình. Bên cạnh đó, trước xu thế hội nhập, mỗi thầy, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự đổi mới để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp GV, đồng thời sẵn sàng “đi trước, đón đầu” trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần