Nhà mạng tiếp tay cho đánh bạc?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc nguyên Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) Nguyễn Thanh Hóa bị bắt giữ, điều tra về tội “Tổ chức đánh bạc” đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, vụ việc này cho thấy, công tác quản lý thẻ cào viễn thông, thẻ game, hoạt động trung gian thanh toán còn nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động trên quy mô lớn.

 Ảnh minh họa
Điều tra của Bộ Công an cho thấy, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip (một trong những sòng bạc online lớn nhất nhì Việt Nam với hàng chục phương thức đánh bài khác nhau) nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào.
Tiền chơi đánh bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán; trong đó, các DN viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng từ 15,5 - 16,3%. Lợi ích của các DN viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này không nhỏ. Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.
Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các DN trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số... dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài, song không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ TT&TT không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.

Ngoài ra, việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đầu số còn lỏng lẻo, các đối tượng tổ chức đánh bạc dễ dàng được cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, đường truyền internet, IP, tên miền, kể cả tên miền quốc gia (.vn) từ các DN trong nước (VNPT, Viettel, Công ty CP Mắt Bão, Công ty GMO Runsystem…); dễ dàng thuê các đầu số tổng đài của FPT để “chăm sóc khách hàng” và sử dụng dịch vụ nhắn tin thương hiệu của Công ty CP Truyền thông VMG để quảng bá Rikvip/Tip.club qua tin nhắn.

Theo quy định của pháp luật, việc tổ chức các trò chơi, các hình thức cá độ có thu phí và có thưởng trên mạng internet đương nhiên bị coi là đánh bạc và bị nghiêm cấm. Như vậy, nếu có bằng chứng về việc tiếp tay cho việc đánh bạc qua mạng internet hoặc mạng viễn thông, đương nhiên các nhà mạng phải chịu trách nhiệm hình sự. Song, nếu chứng minh được nhà mạng biết rõ đây là hành vi đánh bạc song vẫn hợp tác để ăn chia, nhà mạng sẽ bị xử lý về hành vi “Tổ chức đánh bạc” theo Điều 322 Bộ luật Hình sự.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên mạng. Việc làm này là cần thiết, phải thực hiện sớm khi mà loại tội phạm này đang gia tăng và tính chất ngày một phức tạp hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần