Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Quy kết và phán xét nhau đang là mốt xấu của thời đại

Lan Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ về cách nhìn nhận đánh những nguyên nhân dẫn đến ứng xử bạo lực nhiều hơn là nhường nhịn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Con người đang làm khổ chính mình bằng tham, sân, si để đẩy cuộc sống vào tình thế dồn nén những bức xúc, bức bối.

Nhiều khi có cảm giác một xã hội quay cuồng với ganh đua tiền nong, đang bấn loạn với đố kỵ ganh ghét, đang uất kết và rối mù với tâm thức nông cạn. Quy kết và phán xét lẫn nhau đang là mốt thời đại.
Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa truyền thống, ông có thể cho biết những gốc tích trong đức tính nhường nhịn của người Việt?
- Tính thiện, sự nhường nhịn đối với con người gần như là bản năng, là thiên tính vậy. Trong hang đá tối tăm, lạnh lẽo thời nguyên thủy kia, những phụ nữ cho con bú trong cơn đói, họ vắt kiệt sức mình nuôi các thế hệ sau, họ dành thức ăn cho trẻ nhỏ và họ có thể nhịn đến kiệt lực. Nhân loại đã tồn tại, sinh sôi từ sự nhường nhịn kỳ diệu đó.
 Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ai đã qua thời chiến tranh đói kém thì có cảm giác là không tài nào hiểu nổi sức nhường nhịn sắn khoai của những bà mẹ Việt Nam. Họ chỉ ăn những gì sau bữa ăn tối thiểu của con cái. Bây giờ nữa, những “mẹ bỉm sữa” nhẫn nại bón cơm cho con, thật là đáng khâm phục. Những cái đó không là gốc tích sự nhường nhịn là gì?
Lịch sử Việt Nam thăng trầm, loạn lạc, chiến tranh, đói kém triền miên. Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp biến phức tạp các tôn giáo. May mắn thay, sự nhường nhịn đã được tích lũy và tồn tại như một nét tinh hoa, như một giá trị trường tồn.
Trong dân gian, triết lý “lá lành đùm lá rách”, “một điều nhịn chín điều lành”, “nhường cơm sẻ áo”, “dù oan chịu nhẫn chẳng oan”, “nhẫn một bước trời quang mây tạnh”... đã thành lối sống tử tế truyền đời. Lối sống đó song hành và nhẫn nại làm dịu mát, làm đẹp đẽ cuộc sống này, nó chống lại những lối sống tiêu cực, tranh giành, bạo lực, kèn cựa, tham lam. May sao, nó vẫn là một giá trị trường tồn.
Ông có thể nói rõ hơn những hành động, lối sống thể hiện sự nhường nhịn; tính kỷ luật, quy định được duy trì để phát huy đức tính này?
- Sống nhường nhịn thuộc về đạo đức, về phong tục là chính. Nó xứng đáng là thuần phong mỹ tục. Trong tâm thức người Việt, nó tích hợp mọi tôn giáo. Nho giáo đề cao sự nhu nhẫn của người quân tử với mục đích tu thân để tề gia, trị quốc. Đạo giáo đề cao sự nhẫn nhục để hướng tới phát hiện quy luật thế giới, quy luật cuộc sống mà mềm mại thuận theo quy luật, thoát mọi cạnh tranh đời thường. Phật giáo coi Nhẫn là đẳng đầu tiên trong sáu đẳng tu luyện, để hồi hướng về bản nguyên thiện nguyện, thoát khỏi tham, sân, si...
Có những nghi thức tu hành, những quy định hành xử, những nghi lễ giao tiếp, tạo nên cái gọi là gia giáo để người dân thấm nhuần thành cách sống, cách ứng xử được gọi là tử tế. Chúng ta ngày nay gọi đó là lối sống văn hóa và tuyên truyền rộng khắp bằng toàn bộ thiết chế chính trị và xã hội. Những cái đó thuộc về tục và lệ.
Nhưng trong những điều kiện tục và lệ đồi bại, lúc đó rất cần đến luật để diều chỉnh có hiệu quả nhanh chóng. Xã hội hôm nay rất cần sự nghiêm minh của pháp luật cũng như sự thượng tôn pháp luật. Có như thế mới làm cho những giá trị tốt đẹp được khẳng định, phục hồi và lan tỏa.
Trong nội dung học của sách giáo khoa có truyện ngụ ngôn: Hai con dê qua cầu. Đến giờ thế hệ 7X, 8X vẫn thấm nhuần câu chuyện đó. Nhưng đến thế hệ 9X và 2Y thì gần như bắt đầu lãng quên hoặc không học đến. Theo ông, lỗ hổng trong cách giáo dục có phải là nguyên nhân đức tính nhường nhịn của người Việt ngày càng bị thui chột?
- Chúng ta đang quan sát cuộc sống qua lát cắt đồng đại và với tri thức và kỳ vọng của mình. Đồng thời thác lũ thông tin sục sôi, ngầu bọt và hỗn tạp. Chưa bao giờ đời sống tinh thần con người lại sát kề nhau đến vậy, phơi ra trước nhau đến như thế.
Nói thật, được một ngày thoát khỏi các kiểu màn hình to nhỏ, thoát khỏi điện thoại di động để đọc truyện hoặc nghe suối chảy, chim hót là thật hiếm hoi. Con người đang làm khổ chính mình bằng tham, sân, si để đẩy cuộc sống vào tình thế dồn nén những bức xúc, bức bối. Nhiều khi có cảm giác một xã hội quay cuồng với ganh đua tiền nong, đang bấn loạn với đố kỵ ganh ghét, đang uất kết và rối mù với tâm thức nông cạn. Quy kết và phán xét lẫn nhau đang là mốt thời đại.
Giáo dục thiên về dạy kiến thức hơn dạy đạo đức chỉ là một phần nguyên nhân. Sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, trong đó có đức tính nhường nhịn còn là tổng hòa của rất nhiều nguyên nhân khác.
Xin cảm ơn ông