Nhà nước giữ vai trò điều tiết trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xoay quanh Nghị định 68/2019/NĐ-CP, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 KTS Lê Hồng Hiếu
Ông đánh giá thế nào về Nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng?
- Nghị định 68/2019/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới thay thế cho Nghị định 32/2015 và Thông tư 06/2016/TT-BXD về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng như: Quy định chi tiết chi phí quản lý xây dựng của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức, giá xây dựng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng.
Ngoài ra còn quy định về thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng… Nhưng vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập.
Vướng mắc, bất cập ở đây là gì, thưa ông?
- Vướng mắc lớn nhất là không đề cập tới việc “điều chỉnh chi phí quản lý dự án”. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp phải điều chỉnh chi phí quản lý dự án mà không cần điều chỉnh dự án hay tổng mức đầu tư. Tại Điều 10 quy định: Dự toán xây dựng của dự án được thẩm định trên cơ sở thẩm định đồng bộ các dự toán xây dựng công trình, các dự toán gói thầu xây dựng và các khoản mục chi phí có liên quan khác của dự án.
Nhưng không rõ mức độ đồng bộ là quy định những khoản mục nào? Hoặc tại Điều 13 quy định, định mức dự toán xây dựng công trình là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công của dự án cũng như biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình. Nhưng không nêu rõ việc có cần điều chỉnh lại điều kiện thi công của công trình hay không? Ngoài ra, tôi cho rằng, quy trình quản lý chi phí đang tập trung quá nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước.
Vậy theo ông, điểm mấu chốt để xử lý những hạn chế này là gì?
- Theo tôi, cơ quan Nhà nước nên giữ vai trò hướng dẫn, cung cấp thông tin, điều tiết cho phù hợp với tinh thần “Nhà nước kiến tạo”. Tức là, cơ quan Nhà nước tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, khó khăn trong quá trình thực hiện của các chủ thể có liên quan đến đầu tư xây dựng và cho DN hơn là việc chỉ nhằm vào những khoản chi phí sẽ làm chậm quá trình xử lý, giải quyết các phát sinh, kéo dài thời gian thực hiện dự án, tạo ra cơ chế xin – cho.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần