Nhà nước không “buông” quản lý giá sữa

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại "Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/4.

Theo ông Quyền, trong dự thảo thông tư mới, Bộ sẽ yêu cầu các DN sản xuất quản lý hệ thống phân phối của mình và kiểm soát giá trong mạng lưới, đồng thời Nhà nước sẽ kiểm tra việc thực hiện đó nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. "Thông điệp của Chính phủ là phải xây dựng môi trường lành mạnh, cạnh tranh hơn và từ đó giá sữa sẽ vận hành tốt hơn, qua đó bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Việc bỏ biện pháp giá trần không phải là Nhà nước "buông" quản lý giá sữa - ông Quyền nhấn mạnh.

Người tiêu dùng lựa chọn mua sữa tại siêu thị Hapro.  Ảnh: Hải Linh

​Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như đảm bảo việc kiểm soát theo chuỗi, để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam chỉ ra, sau một thời gian “nhảy múa”, sau khi triển khai việc áp trần thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã dần ổn định. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá sự ổn định này là do thị trường tự điều chỉnh hay do chính sách. "Cuối cùng điều mà người tiêu dùng quan tâm là giá sữa hợp lý hay không hợp lý. Nếu Nhà nước không quản lý tốt thì những cơ sở sản xuất phân phối sẽ phá vỡ thị trường và chính sách đưa ra" - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Tiêu chuẩn, bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng lại cho rằng, trong dự thảo có đưa ra mức nếu trên 5% thì phải kê khai, đó là cái “van” hãm giá sữa. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể nắm bắt được cái giá mà các DN đưa ra có tăng quá 5% hay không, nhất là đối với các địa phương. Làm sao các cửa hàng nhỏ lẻ ở các địa phương tăng giá mà nhà quản lý nắm bắt được giá đó có tăng quá hay không. Đây là điểm cần lưu tâm nếu không cẩn thận sẽ lại tạo ra kẽ hở.
Từ thực tế hoạt động tại địa phương, đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề nghị làm rõ đối với những trường hợp mức giá bán lẻ theo từng vùng và bổ sung trường hợp thương nhân bán lẻ tại địa bàn phải có trách nhiệm gửi báo giá đến sở công thương các tỉnh, thành. Đồng thời nên có quy định rõ về tỷ lệ kê khai giá bán lẻ so với giá bán buôn như thế nào.