Nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội: Thiếu hấp lực vì hạ tầng chưa đồng bộ

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhu cầu nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH) hiện nay vẫn rất lớn nhưng nhiều dự án nằm tại các huyện xa trung tâm Hà Nội lại đang rơi vào tình trạng ế ẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết nghịch lý về cung cầu thì bài toán quy hoạch, xây dựng các khu NƠXH rất cần cơ quan chức năng sớm có cách tháo gỡ để phát huy hiệu quả quản lý, đầu tư và tránh lãng phí.
Nghịch lý khan hàng nhưng vẫn ế
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chiếm đến 60 - 70% nhu cầu thị trường, nhưng nguồn cung NƠXH trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng còn rất thiếu. Nhu cầu NƠXH cho công nhân tại Thủ đô vẫn đang cần tới 1 triệu mét vuông sàn nhà. Trong khi đó, kết quả kiểm toán chương trình NƠXH vừa được Kiểm toán nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến có 15 dự án NƠXH được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.
Trong đó, 2 dự án chưa triển khai xây dựng; 7 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2 dự án dừng triển khai không thực hiện được NƠXH hoặc thu hồi; 3 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại.
 Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Chính vì nguồn cung khan hiếm nên tại phân khúc này thời gian qua thị trường ghi nhận đã có những dự án rất đắt hàng, khách hàng phải bốc thăm chờ may rủi để được một suất mua như dự án: Chung cư Đại Kim (quận Hoàng Mai), Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), chung cư 622 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và một vài dự án khác khu vực nội thành.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít dự án quá xa trung tâm lại rơi vào tình cảnh ế ẩm. Nhiều dự án bán đi bán lại trong thời gian dài nhưng vẫn tồn hàng chục căn hộ. Điển hình như các dự án NƠXH: Kiến Hưng, Phú Lãm (quận Hà Đông), Đông Hội (huyện Đông Anh), Bamboo Garden (huyện Quốc Oai), AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức)...
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của nghịch lý trên do các dự án NƠXH này cách trung tâm Hà Nội khá xa, hạ tầng quanh dự án không đồng bộ, thiếu tính kết nối. Nhà ở vẫn chạy trước hạ tầng một bước. Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, ngay từ khâu quy hoạch vị trí để xây dựng NƠXH đã có vấn đề, nhìn nhận không chuẩn xác. Vì yếu tố giá rẻ nên hầu hết các dự án được xây ở những vùng ngoại thành, hạ tầng giao thông chưa được kết nối, gần như tách rời khỏi kết cấu hạ tầng.
Những "khu đất vàng”, thuận lợi cho việc đi lại, dễ dàng kết nối với hạ tầng cơ sở nghiễm nhiên trở thành địa điểm để xây dựng những dự án nhà ở thương mại. Đó là lý do khiến nhiều khu nhà ở được xây lên nhưng chẳng ai đến ở. Những khu quy hoạch xây dựng NƠXH đang tạo ra những cái nhìn không mấy thiện cảm với những người di chuyển đến.
Cần mô hình đơn vị ở hoàn chỉnh
Giới chuyên gia quy hoạch - xây dựng nhìn nhận, tình trạng thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ còn kéo dài nếu không giải quyết tốt vấn đề quỹ đất. Đặc biệt, việc xây dựng NƠXH cần phải xuất phát trên cơ sở yêu cầu của xã hội, của thị trường và phải được xây dựng theo đúng cấu trúc, tiêu chuẩn của một mô hình đơn vị ở hoàn chỉnh.
Có nghĩa đó phải là một khu ở được quy hoạch đồng bộ các chức năng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo cuộc sống của cư dân văn minh và chất lượng thì mới thu hút được người vào ở.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường phân tích, sở dĩ cung - cầu không gặp nhau và mục tiêu ưu tiên về phát triển NƠXH của TP Hà Nội đến nay cũng chưa giải quyết được là do nhiều khu NƠXH bị đẩy ra địa điểm quá xa trung tâm như Đông Anh, Mê Linh, Quốc Oai… Còn tại các khu gần khu trung tâm, hầu như không có quỹ đất cho phát triển NƠXH, mặc dù các dự án thương mại cũng đã có quy định dành quỹ đất cho loại hình nhà ở này nhưng đều đã được các chủ đầu tư nộp bằng tiền. Điều này là chưa phù hợp vì những người nghèo, người thu nhập thấp thường không có điều kiện di chuyển xa.
Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp. Do đó, theo ông Hoàng Văn Cường, để thực hiện được mục tiêu ưu tiên, Hà Nội cần nghiên cứu chiến lược quy hoạch, phát triển các khu NƠXH một cách hợp lý giống như nhiều nước phát triển đã thực hiện, đó là các khu nhà dành cho người thu nhập thấp thường nằm sát khu trung tâm TP.
Để sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển NƠXH, đảm bảo tổng diện tích sàn khoảng 5,2 triệu mét vuông sàn vào năm 2020, Nguyên Phó hiệu trưởng Nhà trường TP Hà Nội GS. Nguyễn Tố Lăng cho rằng, Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Đặc biệt, TP cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác liên quan đến phát triển NƠXH. Quyết liệt trong chỉ đạo các sở, ngành để kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; động viên các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở xã hội theo lộ trình rõ ràng.
Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, để giải quyết nhu cầu NƠXH nói chung và NƠXH trong công nhân nói riêng, TP đang chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020.
Đối với khoảng 1,7 triệu mét vuông sàn NƠXH còn thiếu so với kế hoạch, TP đã chỉ đạo Sở QH&KT nghiên cứu quy hoạch, xây dựng 5 dự án khu NƠXH tập trung với tổng diện tích khoảng 277,94ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín. Hiện tại hai khu thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 84,22ha, dân số khoảng hơn 23.000 người, tổng số 6.500 căn hộ. Ba khu còn lại thì đã có hai khu được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
“Đến năm 2030, khi hệ thống 5 khu NƠXH tập trung này hoàn thành sẽ tạo ra các khu nhà ở xã hội hiện đại, có cảnh quan đồng bộ, đảm bảo được các tiêu chí về sinh hoạt, hạ tầng xã hội, giao thông thuận tiện, phù hợp với thu nhập người lao động. Đồng thời toàn bộ quỹ NƠXH và quỹ nhà tái định cư của TP được đảm bảo” - ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để hỗ trợ cho vay phát triển NƠXH.

Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế, chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển NƠXH, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.