Nhà thầu thi công trạm bơm tiêu Yên Nghĩa tắc trách

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh về bất cập của tuyến đường công vụ dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đi qua xã Đông La, huyện Hoài Đức. Thời gian gần đây, do tắc trách trong quá trình thi công, nhà thầu bỏ qua công tác bảo vệ môi trường.

Bụi đất của Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xã Đông La.
Những ngày gần đây, Báo tiếp tục nhận được phản ánh của người dân xã Đông La về việc đường công vụ trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và dọc tuyến đường đê Đông La bị ô nhiễm môi trường do bụi từ dự án gây ra. Phóng viên trở lại hiện trường và nhận thấy, dọc tuyến đường đê sông Đáy đoạn đi qua khu dân cư xã Đông La khoảng 700m đâu đâu cũng bụi phủ kín. Mỗi khi có ô tô, xe máy chạy qua, từng lớp bụi bay mù mịt bám vào cây cối và nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh của người dân, đến tầm quan sát người đi đường.
Tại tuyến đường công vụ trạm bơm tiêu Yên Nghĩa dài khoảng 150m tiếp tục xuất hiện một số vị trí mặt đường bị xuống cấp tạo thành ổ trâu, ổ voi, lầy lội khi có nước, bụi mù khi nắng nóng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng cho người dân. Nguyên nhân chính là do lưu lượng xe ô tô trọng tải 30 - 40 tấn chở vật liệu xây dựng hàng ngày chạy rầm rập ra vào dự án gây ra, trong khi chủ đầu tư và đơn vị thi công không thường xuyên tưới rửa đường.

Chủ tịch UBND xã Đông La Trần Văn Quý cho biết, đây là tuyến đường đê kết nối giao thông giúp người dân các địa phương đi ra quận Hà Đông và ngược lại. Nhưng, do chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án không tổ chức tưới rửa đường mới gây ra cảnh ô nhiễm. Mặc dù, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay đơn vị thi công và chủ đầu tư vẫn không thực hiện.

Phó Trưởng Phòng Quản lý dự án 1 (Ban Duy tu các công trình Nông nghiệp & PTNT - Sở NN&PTNT Hà Nội) Văn Tùng Giang thừa nhận, do thời gian gần đây nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục còn lại, trong đó có hạng mục đắp đất phần mái đê nên chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, do bắt buộc phải chở xong đất để đắp vào mái đê rồi mới thi công các hạng mục còn lại, nên nếu có tưới rửa đường để hạn chế bụi thì khi xe ô tô chở vật liệu xây dựng đi xuống chân đê sẽ rất trơn trượt, nguy cơ tai nạn giao thông là khó tránh khỏi. Thời gian tới, chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu khắc phục dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường và các vị trí đường công vụ bị xuống cấp, tránh để gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần