Nhà thơ trẻ đang sa đà vào cảm xúc cá nhân

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Thơ Việt Nam 2018 đã ghi dấu thành công của thơ nước nhà trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, xung quanh những thành tựu đó là những trăn trở của các nhà thơ lão thành rằng thơ văn Việt Nam thời gian qua thiếu những tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Việt Chiến – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã có những chia sẻ sâu hơn trước những trăn trở đó.

 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến 
Trong những tác phẩm thơ của tác giả trẻ có mặt tại Ngày Thơ Việt Nam 2018, đâu là tác phẩm được đánh giá cao hơn cả?

- Đó là tập thơ “Tự do” của nhà thơ trẻ Hoàng Xuân Tuyền từng gây tiếng vang ở vòng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017. Đây là tập thơ cho thấy một giọng thơ mới mang xu hướng hậu hiện đại với những lát cắt của sự giễu nhại, mong đánh thức những giấc mơ và ẩn ức của người hôm nay. Tuy nhiên, bên cạnh các tác phẩm xuất sắc còn thiếu quá nhiều tác phẩm của các nhà thơ trẻ ca ngợi đất nước và con người Việt Nam. Điều này cũng là minh chứng cho việc thế hệ trẻ hiện nay đang chú tâm tới những cảm xúc cá nhân hơn là những vấn đề mang tính xã hội.
Ông đánh giá thế nào về việc các nhà thơ trẻ hầu như đang sa vào việc nói lên tiếng nói của bản thân hơn là đồng hành cùng đất nước?

- Nhà thơ trẻ hiện nay hình như đang quay về khám phá cảm xúc của bản thân hơn là hướng đến những vấn đề của cuộc sống, hay những vấn đề còn tồn tại của xã hội như: Môi trường, tham nhũng, giáo dục, công cuộc đổi mới đất nước… Từ xưa tới nay, nhiều người mặc định thơ văn là phải lãng mạn, phải có gì đó thi ca, giải trí, mà quên mất làm thơ cũng như làm cách mạng. Các nhà thơ cũng như các chiến sĩ, phải luôn lao động, không ngừng cống hiến thông qua các tác phẩm.

Chính ngòi bút của thơ cũng sẽ góp phần cho việc xây dựng quê hương. Thông qua những tiếng nói thẳng thắn, bộc trực và mạnh mẽ, tác giả có thể nói lên những vấn đề còn tồn tại, cần được cải thiện trong xã hội. Chúng ta phải hiểu, thơ không chỉ có tình yêu lứa đôi, gia đình mà còn là cả một khát vọng cống hiến cho đất nước, con người và xã hội. Chính vì điều đó mà Ngày Thơ Việt Nam hôm nay có chủ đề “đồng hành cùng đất nước”.

Phải chăng các nhà thơ trẻ có nỗi lo riêng về những vấn đề nhạy cảm để rồi không dám nói lên nỗi niềm trong thơ văn?

- Trước hết, thơ phải mang lại sự đánh thức trong tâm hồn độc giả. Để rồi từ đó mang lại sự đồng điệu trong tiềm thức mỗi người, khơi dậy lòng say mê lao động, góp phần xây dựng đất nước. Đó là một quá trình dài, đòi hỏi sự trải nghiệm của các nhà thơ trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều này có thể hiểu và thông cảm cho họ. Nhưng rõ ràng thơ phải trưởng thành, ngay cả tác giả cũng phải trưởng thành chứ không thể nói rằng họ không còn cảm xúc để viết. Đây chính là nhược điểm của các nhà thơ trẻ trong ngày thơ năm nay. Tôi nghĩ rằng qua thời gian, các nhà thơ trẻ sẽ có thêm trải nghiệm, lúc đó sự trưởng thành sẽ tôi luyện thêm cho họ kinh nghiệm để viết nên những áng thơ văn hay, đẹp và giàu cảm xúc.

Theo ông, các nhà thơ trẻ cần phải làm gì để góp phần “đồng hành cùng đất nước” như mong muốn từ chủ đề của Ngày Thơ năm nay?

- Các nhà thơ trẻ muốn thay đổi được điều đó cần mở rộng lòng mình và tìm cảm xúc ở những điều lớn lao hơn, những vấn đề thời sự mang tính công dân để cống hiến cho đất nước, chứ không phải chỉ riêng trải nghiệm cá nhân như sự vật vã của những cuộc tình, hay sự bế tắc trong đời sống. Mỗi tác phẩm thơ phải bắt nguồn và gắn liền với thời đại, phải được thể hiện rõ ràng, là điều mà các nhà thơ trẻ cần hướng đến.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần