Nhà thơ Võ Văn Trực - "Người con của làng" đã ra đi

Nguyễn Trung Hợi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2h42 phút ngày 5/4 (tức 1/3 năm Kỷ Hợi), nhà thơ Võ Văn Trực trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt gia đình quê hương và độc giả thân yêu về với cõi vĩnh hằng.

Sinh năm 1936 tại làng Hậu Luật xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tuổi hai mươi ông bước chân ra Hà Nội học tập và bắt đầu cầm bút viết và cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp văn chương, ông làm Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Nhà thơ Võ Văn Trực
Rời quê hương những năm chiến tranh, mảnh đất nghèo đồng Giặm đã nuôi lớn tâm hồn một thi nhân.
Nhà thơ Võ Văn Trực vẫn luôn đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn, cả cuộc đời ông viết bằng cả niềm thương nỗi nhớ những con người đầy gian nan với cuộc sống mưu sinh, nỗi niềm với người thân, với quê hương yêu dấu.
Thơ ông chắt chiu từ đường cày, ruộng lúa nương ngô, sống cả cuộc đời ở Thủ Đô nhưng dòng chảy thi ca cứ nặng lòng đất mẹ.
Tập thơ "Trăng phù sa" được nhận giải thưởng Văn nghệ Hà Nội năm 1983 và sau đó ông xuất bản tập thơ "Chuyện làng ngày ấy" in năm 1990 thì bị tịch thu, nhưng một thời gian sau được nhà xuất bản Hà Nội tái bản lại.
Trong 67 bài thơ của nhà thơ Võ Văn Trực tôi xin trích vài ý trong bài thơ "Đất quê nghèo" để chia sẻ cùng bạn đọc những nỗi niềm của tác giả khi nghĩ về quê hương.
..."Quê hương lùi lũi quê nghèo

Dạy tôi khôn lớn với nhiều niềm tin

Mồ hôi máu đỏ thắp lên

Vầng dương châu thổ ngọn đèn non sông
Tôi mơ những sớm mai hồng

Bóng đêm tan hết mặt đồng sáng tươi

Đất quê rạng với mặt người

Lúa reo trước bãi, ngô cười sau nương
Lòng tôi đau đáu yêu thương

Dễ nghìn tiệc rượu, dễ thường đã vui

Bài thơ đang viết... nghẹn lời

Trên lầu đại yến ai cười vô tâm"...

Rồi một lần về với quê để ông lại day dứt trăn trở không những với người còn sống mà với bao người đã khuất, một sự thật không còn gì thật hơn đã diễn ra trên quê hương, để những vần thơ chan chứa mà ai đọc cũng ứa nước mắt. 

Xin trích mấy ý thơ trong bài thơ "Nghĩa địa làng" chia sẻ cùng bạn đọc.

... "Đã bao lần hài cốt xếp dày lên

Bao nhiêu cỏ, bao nhiêu tầng thế hệ

Mảnh đất chật người đông chen chúc thế

Đã chết rồi vẫn cứ phải chen nhau
Người nằm dưới kia chân đạp vào đầu

E giấc ngủ khó tròn đêm yên tĩnh

Tôi rờn rợn nỗi da gà ớn lạnh

Kiếp nhân sinh sao quá đỗi nhọc nhằn..."

Người ta thường nói nhà thơ Võ Văn Trực là "người của làng" bởi ông là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hàng ngàn trang viết chủ yếu về con người và những làng quê, bạn bè văn chương vẫn công nhận ông là người viết thơ văn về làng quê nhiều nhất.

Một sự thật đau lòng mà có lẽ rất nhiều người giống như hoàn cảnh của nhà thơ Võ Văn Trực, khi mẹ ông mất trong chiến tranh rồi một ngày về thắp hương cho mẹ thì mộ không tìm được, cay đắng và tủi hờn, đau khổ ông đã viết bài thơ "Tìm mộ mẹ". Xin trích dẫn:

...."Mẹ mới khuất mười năm không còn mộ

Con đi tìm dẫm nát cỏ đồng quê

Nén hương khấn mười năm không tắt lửa

Mẹ nơi đâu xin hãy gọi con về

......

Trên trần thế mười năm con phiêu bạt

Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ

Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc

Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ..."

Hôm nay tiết thanh minh, trời trong nắng đẹp nhà thơ Võ Văn Trực một người con quê hương Diễn Bình, một thi nhân rất đỗi thân thương trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và độc giả cả nước đã vĩnh viễn ra đi về với tiên tổ, nhưng những vần thơ, những bút tích của ông vẫn còn mãi với thời gian trong lòng công chúng yêu văn học.

Kính cẩn tiễn biệt nhà thơ, cầu mong linh hồn ông được siêu sinh tĩnh độ, ông mãi mãi xứng đáng với tên gọi gần gũi yêu quý và thân thương nhất "NGƯỜI CỦA LÀNG".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần