Nhà thuốc trên toàn quốc sẽ kết nối bằng công nghệ thông tin

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc quản lý thuốc tại Việt Nam hiện nay lỏng lẻo bậc nhất thế giới nên cần thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để xóa bỏ tình trạng này.

Sáng 24/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc​”​ với hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý tham dự.
Điểm cầu Hà Nội.
Theo đó, nhằm tăng cường giám sát hoạt động kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, nhất là tình trạng lạm dụng kháng sinh, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel triển khai hệ thống phần mềm kết nối mạng công nghệ thông tin đến tận các nhà thuốc. Cụ thể, cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, quầy thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính. Có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Từ 4 tỉnh đầu tiên tham gia vào quá trình triển khai thí điểm là Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốcvà quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc. Theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 23/8, Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai kết nối cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9/2018, trong năm 2018 hoàn thành kết nối đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với các quầy thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng. Cơ quan quản lý Dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng, giảm hồ sơ giấy tờ báo cáo, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc phải kê đơn không đúng quy định. Phân tích được dữ liệu sử dụng thuốc ở các địa bàn, chỉ đạo luân chuyển kịp thời khi có dịch bệnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, 22.000 loại thuốc toàn tên latinh nên rất khó nhớ. Hơn nữa, giá thuốc hiện này đang bị thả nổi song người dân đi mua thuốc không ai mặc cả.
“Việc quản lý thuốc ở Việt Nam thuộc loại lỏng lẻo bậc nhất thế giới, ở đâu cũng có thể mua thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam cao trên thế giới. Không quản lý được vấn đề này thì người dân vừa mua thuốc đắt vừa không đảm bảo chất lượng có khi lại không đúng với bệnh của mình. Việc quản lý nhà thuốc một cách hệ thống này sẽ dần dần loại bỏ các hành vi gian lận. Nếu không phải vì lý do kỹ thuật, nhà thuốc không tham gia cần có chế tài xử lý” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim tế cùng một số đại biểu đã nhấn nút kết nối hệ thống công nghệ thông tin tại các nhà thuốc trên toàn quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần