Nhà văn Tô Hoài: Kho báu về Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài (1920 - 2020), NXB Kim Đồng tổ chức tọa đàm “Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi”. Tọa đàm là dịp các nhà văn, nhà thơ trao đổi, chia sẻ những góc nhìn mới về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài.

12 ấn bản "Dế mèn phiêu lưu ký" của NXB Kim Đồng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài.
“Ông già Hà Nội”

Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Đây cũng là nơi ông sinh sống và gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Nhiều người gọi Tô Hoài là “Ông già Hà Nội”, xem ông như một biểu tượng của trí thức Thủ đô, một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất Hà thành. Ngay bút danh Tô Hoài của ông cũng được đặt bằng cách ghép hai chữ đầu của hai địa danh nổi tiếng ở Hà Nội là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Nói đến Tô Hoài người ta cũng không thể không nói đến những tác phẩm văn chương mang đậm dấu ấn Hà Nội của ông. Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên “Hà Nội tân văn” và “Tiểu thuyết thứ bảy” đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: “Con dế mèn” (sau này viết bổ sung và đổi tên thành “Dế Mèn phiêu lưu ký”), “Quê người”, “O chuột”, “Trăng thề”, “Nhà nghèo”. Bên cạnh đó, nói về mảng đề tài Hà Nội trong văn Tô Hoài, bạn đọc yêu những sách về Thủ đô hầu hết đều biết đến tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” (1986) kể những chuyện liên quan đến Hà Nội xưa như: Ba sáu phố phường; Phố nghề; Phố và làng, Chợ, Kẻ Chợ, rồi Tàu điện, Xem phim, Cúp tóc, Hát ả đào… Rồi Nem Sài Gòn, Chả cá, Bia, Bánh cuốn, Cơm đầu ghế. Đọc “Chuyện cũ Hà Nội”, độc giả thấy rõ được một phần trong kho chuyện ký ức của Tô Hoài về Hà Nội thật phong phú.

Tiếp nối mạch văn chương

Trong không gian tọa đàm “Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi”, độc giả được chiêm ngưỡng 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp và hòa mình vào thế giới Dế Mèn trong những tranh minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” của các họa sĩ trong và ngoài nước. Vừa qua, “Tuần đọc Tô Hoài” cũng diễn ra từ ngày 21 - 27/9 trên fanpage NXB Kim Đồng và Kim Đồng Kids, hai fanpage chính thức của NXB Kim Đồng, hướng tới công chúng yêu mến tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, NXB Kim Đồng đã xuất bản 21 ấn phẩm của Nhà văn Tô Hoài, trong đó có tác phẩm ra mắt lần đầu và tái bản theo hình thức mới. Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết: Với sự đầu tư công phu về cả hình thức và nội dung, loạt ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài thể hiện sự tri ân sâu sắc của NXB Kim Đồng với một tác gia có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học nghệ thuật nước nhà. Chỉ riêng tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" đã chu du qua 30 nước trên thế giới. Và độc giả sẽ có cơ hội được tiếp cận 12 ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác nhau trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài lần này.

Cũng trong đợt này, ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa đã ra mắt công chúng. Thuộc thế hệ 9X, Đậu Đũa là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Chị cho biết, cơ duyên đến với tác phẩm từ đồ án tốt nghiệp đại học năm 2014, bằng tình yêu được nuôi dưỡng từ thời bé thơ với tác phẩm. Với con mắt của người trẻ thời hiện đại, minh họa của Đậu Đũa khác biệt với tạo hình Dế Mèn của các thế hệ họa sĩ đi trước. Nhân vật được cách điệu nhân cách hóa, cỏ cây hoa lá được trang trí, cách điệu nhiều hơn là vẽ tả thực.

Trải qua gần một thế kỷ, các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài vẫn được độc giả ghi nhận, đón đọc. Chắc chắn, kho tàng văn học mà "Ông già Hà Nội" để lại sẽ được thế hệ trẻ truyền tải theo nhiều cách khác nhau, để các tác phẩm ấy sống mãi trong lòng người yêu văn.
Năm 2005, nhà văn Tô Hoài đã tin tưởng ủy nhiệm cho NXB Kim Đồng quản lý toàn bộ tác phẩm của ông. Mới đây, đại diện gia đình nhà văn tiếp tục ủy quyền tiếp nhận phần tác phẩm dành cho người lớn của ông để NXB khai thác, xuất bản, ra mắt công chúng.

Giám đốc NXB Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần