Nhà xuất bản chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT: Dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh

Hà Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Hà Nội nhận định, việc nhà xuất bản chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT chưa có tiền lệ, có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh được nhà xuất bản chi thù lao hậu hĩnh trong nhiều năm, liên quan đến nội dung biên soạn sách giáo khoa. Việc chi thù lao bắt đầu từ năm 2015, trong đó “chia” rất đều theo thứ tự cấp bậc. Cụ thể, Trưởng ban chỉ đạo – Giám đốc Sở nhận mức thù lao cao nhất đến 6 triệu đồng/tháng. Tiếp đến, Phó trưởng ban – Phó giám đốc Sở hưởng mức thù lao thấp hơn Trưởng ban 1 triệu đồng/tháng. Các vị trí Uỷ viên Ban chỉ đạo biên soạn – lãnh đạo Phòng, Văn phòng thuộc Sở hưởng mức thù lao từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng.

 TS Lê Văn Thiệp trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Hà Nội nhận định, việc nhà xuất bản trả lương cho lãnh đạo Sở GD&ĐT chưa có tiền lệ, có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Theo TS Thiệp, đây là hành vi không đúng pháp luật, bởi lẽ, nếu các cá nhân là những giáo viên có uy tín, có đủ điều kiện về chuyên môn, tham gia biên soạn thì được trả thù lao theo mức độ đóng góp.
“Ở đây có hiện tượng hợp thức hoá việc đưa và nhận tiền. Thật hài hước khi một nhà xuất bản lại trả thù lao cho Sở GD&ĐT để soạn sách rồi sau đó lại bán sách cho Sở GD&ĐT đó. Đây là hành vi bất minh, dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, qua đó sẽ triệt tiêu các đối thủ, gây thiệt hại cho ngân sách” – TS Thiệp nhấn mạnh.

Cũng theo TS Thiệp, trong chức năng nhiệm vụ của nhà xuất bản không hề có “nhiệm vụ trả lương hay thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT”. Ông Thiệp nhận định: “Nhà xuất bản này có lẽ nên tập trung vào việc tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành các loại sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học chứ không phải đi chăm lo đời sống cho Giám đốc Sở GD&ĐT hay các nhân vật liên quan”.

Đề cập đến vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng: “băn khoăn: “Nếu điều đó xảy ra thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa của Đảng và Nhà nước không thực hiện được”.