Nhắc nhau “xả rác ít thôi!”

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 3 tuần, nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã thu gom, phân loại, xử lý 500kg rác thải từ túi nilon, vỏ sữa, chai nhựa… để thực hiện sản phẩm sắp đặt “cơn sóng rác” – điểm nhấn trong triển lãm “Xả rác ít thôi”. Chương trình do Văn phòng hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và vùng Île-de-France, PRX-Vietnam và Cơ quan phát triển Pháp – AFD phối hợp tổ chức.

 Cơn sóng rác tại triển lãm.

Hiểm họa môi trường

“Mọi thùng rác đều đã đầy tràn, mọi đô thị đều đã quá tải vì rác! Lượng rác thải vẫn không ngừng tăng hằng năm với những tác hại khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe người dân. Vậy hãy nhắc nhau xả rác ít thôi!” - đó lời giới thiệu ngắn gọn bên ngoài sảnh Trung tâm triển lãm L’Espace (24 Tràng Tiền). Bước vào phòng, “cơn sóng rác” được sắp đặt theo hướng thấp dần. Với sắp đặt này, trần sảnh trung tâm được bao phủ toàn bộ bằng rác thải vô cơ, tạo cảm giác người xem như bị nhấn chìm trong làn sóng rác thải. Nhiều người đến triển lãm bị "sóng" chạm vào đầu, khiến người xem liên tưởng đến hình ảnh “cơn sóng rác” khổng lồ đang bao trùm không gian sống của con người.
Theo Bộ TN&MT, hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Đây là những con số biết nói đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Để thực hiện sắp đặt “cơn sóng rác”, khoảng 500kg rác thải sinh hoạt đã được nhóm thiết kế tận dụng và hoàn thiện tác phẩm. Theo Vũ Minh Hoàn – sinh viên Đại học Kiến trúc, thành viên nhóm sáng tạo triển lãm: “Những ngày đầu thực hiện ý tưởng, chúng tôi chưa có đủ lượng rác. Do vậy, nhóm phải vừa đi xin vừa thu gom từ các bãi rác trên đường. Trong vòng 3 tuần, thành viên trong nhóm tìm nhiều cách để thu gom rác thải nên trong đầu mỗi người chỉ nghĩ về rác, rác... và rác. Đặc biệt, trong quá trình thu gom, một số rác thải y tế trộn lẫn khiến nhóm bị ngứa, hoặc mắc một số mắc bệnh hô hấp". Bên cạnh thông điệp "Xả rác ít thôi!", nhóm tác giả khát khao giới thiệu những mẹo vặt và lựa chọn thay thế hết sức thiết thực cho một cuộc sống lành mạnh hơn như: Túi nilon hoàn toàn có thể được thay thế bằng túi vải, ống hút nhựa không còn cần thiết nữa, các loại cốc dùng một lần thay bằng cốc thuỷ tinh; cơm hộp xốp thay bằng cơm mang từ nhà; sử dụng các loại pin có thể sạc dùng nhiều lần.

Nâng cao nhận thức

Cũng trong dịp này, từ 21/6 đến 18/8, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội) cũng đang trưng bày các tác phẩm nghệ thuật khổng lồ mang tên: “Lốc xoáy”, “Cánh đồng”, “Đại dương”. Chuỗi tác phẩm biểu trưng cho các nguyên tố Đất - Nước - Gió trong tự nhiên, được tái hiện bởi vô vàn rác thải nhựa từ túi nilon, ống hút, vỏ lon, rác thải đồ gia dụng, đĩa CD. Các tác phẩm khi đặt gần nhau tạo thành một thế giới nhựa nghệ thuật đầy màu sắc, nhưng gợi nhắc, cảnh báo về một thế giới thật đang tràn ngập rác thải, ô nhiễm nghiêm trọng. Nhựa rác thải có mặt ở mọi nơi, thậm chí trong cả cơ thể loài người. Nhóm tác giả cho biết, hàng chục nghìn vật liệu rác thải nhựa được thu gom, quyên góp từ khắp mọi nơi trong TP. Họ mong muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân: “Liệu nhựa là thế giới của chúng ta hay chính chúng ta đang là thế giới của nhựa?”.

Chị Vũ Trần Huyền My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đưa con gái đến đây, hai mẹ con ngay lập tức bị choáng ngợp bởi những tác phẩm có kích thước khổng lồ, nhiều màu sắc. Tôi cũng giảng dạy cho con về thực trạng ô nhiễm rác thải trên trái đất này. Tôi nghĩ đây là triển lãm hữu ích, tác động mạnh đến ý thức người dân như tôi”.

Trước đó, vào tháng 4, triển lãm “Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!” đã diễn ra tại tòa nhà Dolphin Plaza (số 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2). Với mục đích khám phá về chủ đề rác thải và giới thiệu các cách thức sử dụng rác thải sẵn có để tạo nên những sản phẩm có giá trị, triển lãm là hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường. Từ những thứ được xem là “rác” với rất ít giá trị, các nhà thiết kế đã tạo nên những sản phẩm độc đáo dựa trên các phương pháp thủ công truyền thống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần