Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Không cần thiết thay lời cho Quốc ca

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước thông tin trong phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 4/6 của kỳ họp Quốc hội khóa XIII có đại biểu đề xuất nên thay lời cho Quốc ca để phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã bày tỏ quan điểm ngược lại với ý kiến trên.

Cụ thể, tại phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành góp ý cho điều 13, về Quốc ca như sau: "Tôi thấy hiện nay Quốc ca có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ chúng ta sẽ sửa nội dung lời "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Không cần thiết thay lời cho Quốc ca - Ảnh 1

Tuy nhiên, sáng ngày 5/6, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ngay tức khắc thể hiện quan điểm của mình. Ông cho rằng: "Không cần thiết thay lời Quốc ca. Bởi vì, nhạc và lời bài Quốc ca đã đi vào trong tâm khảm của người dân Việt Nam. Tác phẩm đã trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử. Trong khi đó chức năng của Quốc ca không phải chỉ phản ánh đời sống kinh tế xã hội của ngày hôm nay".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn cho biết thêm, trên thế giới có rất nhiều bài Quốc ca tồn tại gần 200 năm và không hề có sự thay đổi. Đó là chưa kể, nếu tính đến việc thay đổi lời cho Quốc ca cần phải được sự đồng ý của tác giả hoặc cá nhân được ủy nhiệm quyền sử dụng tác phẩm, cụ thể ở đây là vợ cố nhạc sĩ Văn Cao.

Luật sư Phạm Thanh Thủy cho biết, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã khẳng định rất rõ quyền giữ nguyên vẹn nhạc và lời tác phẩm. Song điều 7 của Luật cũng quy định giới hạn quyền sở hữu cá nhân với nội dung: Nhà nước sẽ có quyền xem xét sửa đổi để phục vụ mục đích kinh tế, chính trị và quốc phòng quốc gia.

Thay lời Quốc ca mới chỉ là đề xuất của đại biểu Quốc hội, song đây là vấn đề lớn của đất nước nên sẽ nhận được rất nhiều luồng dư luận trái chiều từ các nhà làm nhạc, luật sư cũng như quần chúng nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần