Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Đừng vì lợi ích trước mắt

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, số lượng người lao động (NLĐ) nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều NLĐ nghỉ việc đã nhận trợ cấp BHXH một lần thay vì tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm.

 Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Giảm nhiều quyền lợi
Chị Kim Hoa, ở Cổ Nhuế, làm việc tại Khu chế xuất Nam Thăng Long (Hà Nội) từ năm 2013, mới đây, qua người bà con, chị chuyển công việc sang làm tạp vụ ở một công ty. Tính đi tính lại chị quyết rút sổ bảo hiểm để xin trợ cấp 1 lần. “Tôi muốn nghỉ việc sớm để ngoài bảo hiểm thất nghiệp, còn được lĩnh BHXH một lần. Gom góp tất cả các khoản trợ cấp cũng có một số vốn để làm ăn". Cùng lý do ấy, dù đã làm việc trên 10 năm nhưng anh Nguyễn Mạnh Hùng, đang làm việc ở một DN tại Hà Nội quyết định nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, gần đây, mỗi năm có khoảng 700.000 NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần, đồng nghĩa với việc có khoảng 700.000 người đã ra khỏi hệ thống mạng lưới an sinh xã hội. Theo một cán bộ của BHXH TP Hà Nội, NLĐ cần suy nghĩ thấu đáo khi quyết định nhận BHXH một lần. Khi NLĐ nghỉ hưu sẽ có tiền lương hưu hàng tháng và có thẻ BHYT miễn phí. Nếu lĩnh BHXH một lần khi về già sẽ gặp khó khăn.
Đi rút BHXH một lần với các lao động đã đóng trên 10 năm cũng đồng nghĩa từ bỏ quyền được nghỉ hưu an hưởng tuổi già của mình. Đi làm trở lại, để hưởng hưu trí họ sẽ phải đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm. Đây là một thiệt thòi rất lớn mà nhiều người chưa ý thức được.
Cân nhắc bảo đảm cho tương lai
Theo luật sư Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội), NLĐ cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” của chính mình, nó không mất đi mà được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Do đó, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
“Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần. Với những lợi ích trên, NLĐ phải cân nhắc kỹ để bảo đảm cho tương lai”- luật sư Đặng Anh Đức chia sẻ.
NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội - trở thành vấn đề đáng quan ngại cho xã hội trong tương lai. Vì vậy, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga, Đức… đều không cho NLĐ hưởng BHXH một lần. Còn ở Việt Nam, vì nhiều lý do, chế độ này vẫn được thực hiện, dù không khuyến khích, dẫn tới số người hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng."Các cấp Công đoàn cần tuyên truyền, giải thích cho NLĐ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu; tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện... để NLĐ thấy được lợi ích thiết thực của việc tích lũy thời gian đóng BHXH" - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng lưu ý.