Nhận biết và phòng ngừa sạm, nám da

Nam Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nám, sạm da là một bệnh da phổ biến, thường gặp ở phụ nữ, nhất là những người bắt đầu bước qua tuổi 30 với những biểu hiện như xuất hiện các đốm sắc tố sẫm màu trên da. Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu T.Ư - TS Vũ Thái Hà khuyến cáo về cách phòng ngừa và chăm sóc làn da bị nám, sạm.

Kiểm tra bệnh về da tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Ảnh: Đinh Thành
Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân gây ra tình trạng nám, sạm da là gì?
- Nguyên nhân gây tăng hắc sắc tố trên da rất đa dạng, có thể từ các yếu tố bên ngoài như tia UV trong ánh nắng mặt trời, do dùng thuốc, sử dụng mỹ phẩm. Ngoài ra, có thể xuất phát từ yếu tố bên trong của phụ nữ như dinh dưỡng, di truyền, rối loạn nội tiết làm thúc đẩy quá trình sản sinh hắc tố melanin dưới da. Ngoài ra, nhiều trường hợp tăng hắc tố da không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất gây nên tình trạng nám da là do ánh sáng mặt trời. Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, làn da bị tác động bởi nhiệt của môi trường nóng, gây tổn hại ADN, các tế bào trên da. Da phải tự động sản sinh ra sắc tố để hấp thu ánh sáng, giảm nguy cơ cho tế bào của da. Điều này gây ra tình trạng đen da, nám, sạm da nhiều hơn.

Nám, tàn nhang, đồi mồi có giống nhau không và những dấu hiệu nào cho thấy da bắt đầu bị nám, sạm, thưa bác sĩ?

- Nám da là các đốm sắc tố sẫm màu trên mặt, có mức độ đậm nhạt khác nhau. Chúng thường xuất hiện ở các vị trí như hai bên má, cằm, trán… hoặc ở những nơi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nám da có kích thước lớn hơn tàn nhang và đồi mồi nên rất dễ nhận ra, có màu hơi thâm vàng hoặc hơi nâu, hơn nữa các mảng nám có vùng phân bố rộng trên mặt.

Còn đồi mồi là các đốm màu nâu, đỏ, nâu đỏ hoặc đen thường xuất hiện ở các vị trí gò má, cổ, cổ tay, trước ngực.. Tình trạng này xuất hiện chứng tỏ làn da đã bị lão hóa, nhiều người dưới 30 tuổi đã xuất hiện đồi mồi. Cũng giống như nám da, đồi mồi cũng là bệnh lý do gia tăng hắc sắc tố melanin (do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời). Ban đầu chúng có màu nâu nhạt, càng về sau thì có màu đậm hơn và kích thước to không đồng đều. Đồi mồi có hai loại: Một là nằm bẹt trên da, hai là nổi trên da như nốt ruồi nhưng có kích cỡ to và màu đậm hơn.

Khác với nám da và đồi mồi, tàn nhang là những nốt nhỏ hình tròn to bằng đầu đinh ghim, có đường kính từ 1 - 5mm. Tàn nhang có màu nâu sáng hoặc nâu sẫm, thường xuất hiện ở các vị trí như xung quanh vùng da mắt, hai bên má và mũi. Những nốt tàn nhang có thể nằm riêng lẻ hoặc liên kết với nhau thành từng mảng đốm, tùy thuộc vào sắc tố da của từng người mà tàn nhang có màu đỏ, vàng hoặc màu sậm.

Tại Bệnh viên Da liễu T.Ư, độ tuổi và tỷ lệ người đến chữa bệnh nám, sạm da hiện nay thế nào? Việc dùng kem trộn, dùng mỹ phẩm trắng da không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến làn da ra sao, thưa bác sĩ?

- So với 5 năm trước, hiện nay số lượng bệnh nhân đến chữa các bệnh về da như nám, sạm, tàn nhang tăng lên rất nhiều. Tỷ lệ bệnh nhân rám đơn thuần má có tăng nhưng không nhiều, tuy nhiên các rối loạn sắc tố khác hay còn gọi là sạm da thì tăng mạnh. Có nhiều bệnh nhân tự dùng thuốc, tự chế thuốc theo lời truyền để bôi lên da chữa nám, bệnh không những không khỏi mà còn dẫn đến tình trạng rối loạn sắc tố. Hầu như ngày nào, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc cũng tiếp nhận các trường hợp rối loạn sắc tố da. Những trường hợp này rất khó hồi phục, trong khi nếu là nám, sạm da thông thường, bệnh nhân phối hợp điều trị với bác sĩ thì sẽ giải quyết có kết quả rất tốt.

Nhiều người băn khoăn, liệu bệnh nám da có di truyền không?

- Nám da cũng có yếu tố gen trong đó nhưng cụ thể chính xác thì chưa xác định được gen nào là quan trọng nhất gây nám da. Nhưng người thân trong gia đình bị nám thì nguy cơ nám của con, cháu họ cao hơn so với người khác. Trường hợp đứa trẻ sinh ra có cha mẹ từng bị nám da thì khả năng đứa bé đó bị nám da khá cao. Điều đặc biệt ở người nám da do di truyền khác với người bị nám da do các nguyên nhân khác là việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Nám da do di truyền là tình trạng nám da nguyên phát, đòi hỏi phải can thiệp điều trị sâu từ nguyên nhân gây bệnh và phải có một phác đồ đúng đắn.

Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho những người bị nám hoặc đang có nguy cơ bị nám, sạm da, nhất là phụ nữ qua tuổi 30?

- Theo tôi, việc đầu tiên cần thực hiện là chống nắng tốt, bôi kem chống nắng khi ra ngoài vì trong ánh nắng có chứa các tia UV có thể phá hoại biểu bì da, khiến da càng dễ suy yếu. Hạn chế thức đêm thường xuyên, càng thức đêm khuya, càng khiến da bị sạm và nổi mụn nhiều hơn. Bên cạnh đó, mọi người nên lưu ý vấn đề dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều hoa quả có chứa vitamin A, C, E và bổ sung thêm nhiều loại rau củ khác. Uống nhiều nước để da không bị khô thiếu nước. Tuyệt đối không sử dụng các loại kem trộn để chống nám mà không có nguồn gốc rõ ràng. Thực tế nhiều người đã bị hỏng da phải vào viện điều trị dài ngày do dùng kem trộn trôi nổi trên thị trường. Nếu da đã xuất hiện những vết nám, sạm nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn và chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần