Nhãn chín muộn Hà Nội sang Mỹ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xuất khẩu thành công chuyến hàng đầu tiên sang Mỹ và các nước châu Âu vào đầu tháng 9 đã mở ra nhiều triển vọng cho sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội.

Người dân xã Đại Thành, Quốc Oai phấn khởi chuẩn bị hàng xuất khẩu. Ảnh: Phương Nga
Chinh phục thị trường khó tính
Năm 2015, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã hoàn thiện việc cấp mã vùng trồng, hộ gia đình trồng nhãn chín muộn ở huyện Quốc Oai và Hoài Đức cho đối tác Mỹ. Phía Mỹ đã yêu cầu các vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường này không được sử dụng 5 hoạt chất trừ sâu, bệnh. Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện thì lô hàng đó sẽ bị trả về, vùng trồng nhãn đó sẽ bị đánh dấu.
Đầu tháng 9/2018, 18 tấn nhãn muộn đã được Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam xuất sang Mỹ và hơn 1 tấn được Công ty CP Global xuất sang Ba Lan. Việc xuất khẩu thành công hơn 19 tấn nhãn chín muộn vào hai thị trường khó tính trên đã khẳng định chất lượng nhãn chín muộn Hà Nội, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến phấn khởi cho biết: Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, bên cạnh việc mở rộng diện tích, huyện đã chỉ đạo Nhân dân tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, sản phẩm nhãn chín muộn của huyện đã vượt qua các quy định khắt khe, đủ tiêu chuẩn để được xuất khẩu sang Mỹ.
Sau chuyến hàng này, huyện sẽ tiếp tục quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm để nhãn chín muộn Đại Thành không chỉ xuất khẩu sang Mỹ mà còn sang các thị trường khác trên thế giới.
Tăng cường liên kết
Để xuất khẩu thành công chuyến nhãn muộn này, có sự đóng góp không nhỏ của DN. Bà Phùng Thu Hương - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam - đại diện DN đưa nhãn sang Mỹ cho biết: Mỹ là thị trường khó tính, có chuyên gia kiểm nghiệm hàng trước khi nhập. Tuy nhiên, sau khi Công ty đưa sản phẩm giới thiệu và khảo sát tại đây, nhãn chín muộn Hà Nội được người Mỹ rất yêu thích.
Bà Hương khẳng định, để chinh phục được thị trường này, phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ những quy định về ATTP. Để đạt được điều đó, rất cần sự đồng hành, giúp đỡ của DN trong việc hướng dẫn nông dân dựa trên yêu cầu cụ thể của thị trường. Liên kết giữa nông dân và DN phải được xem là hạt nhân và là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: Dù khối lượng xuất khẩu không nhiều nhưng sự kiện xuất khẩu lô nhãn muộn đầu tiên sang Mỹ và Ba Lan sẽ mở ra triển vọng, khai thông con đường đưa sản phẩm nông nghiệp Hà Nội sang thị trường nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội phát triển vùng nguyên liệu một cách bài bản có sự liên kết tổ chức sản xuất với DN trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
Để nhãn chín muộn vượt qua được những hàng rào kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường quốc tế có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các DN. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Việc xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên đi Mỹ và châu Âu sẽ mở ra nhiều triển vọng cho các cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, không chỉ có nhãn chín muộn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần