Nhận diện rõ hành vi tham nhũng mới để phòng ngừa

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.

Một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2020, ngành công an đã điều tra, làm rõ khoảng 40.000 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá khoảng 3.000 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận được khẩn trương điều tra làm rõ. Toàn quốc đã xảy ra hơn 46.700 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm. Tội phạm tín dụng đen tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet...

Cũng trong năm 2020, ngành công an đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác PCTN. Thống kê cho thấy, cơ quan chức năng đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).
 Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Lâm Khánh (TTXVN)
Việc phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu... cũng được chỉ ra. Trong năm 2021, Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác này. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm; thực hiện các giải pháp phòng ngừa; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm…

Trong quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng, trong thời gian vừa qua, tuy một số loại tội phạm giảm so với những năm trước nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) viện dẫn những con số từ báo cáo như: Hiếp dâm tăng 13,51%, đặc biệt trong đó là hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%, gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%, chống người thi hành công vụ tăng, riêng số vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng tới 260%...
“Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội nghiêm trọng ở một bộ phận trong xã hội”- đại biểu nêu. Các đại biểu cho rằng, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, nguy cơ tiềm ẩn, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, chống lại các loại tội phạm nguy hiểm này.

Các ý kiến cũng chỉ ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh, một số người đã có hành vi trục lợi, vu khống, nâng giá khống thiết bị y tế… Theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), các ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm minh, đặc biệt là các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh.

“Lợi ích nhóm", "sân sau" vẫn còn tồn tại

Công tác PCTN năm 2020 vẫn là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Đánh giá về công tác này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Theo đó, năm 2020 ngành đã triển khai khoảng 6.800 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và khoảng 210.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17%).
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (tăng 53 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" vẫn còn diễn ra. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.
Theo Chánh Thanh tra Chính phủ, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Trong năm 2020, có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước và DN; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. “Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.

Đồng tình với nhận định công tác PCTN đã tạo nhiều dấu ấn rõ nét, tuy nhiên, các đại biểu cũng cho ra nhiều vấn đề cần lưu ý. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân, DN ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, gây ảnh hưởng tới công tác PCTN.
““Lợi ích nhóm", "sân sau" vẫn còn tồn tại gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp” - đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho rằng, hiện nay, công tác thu hồi tiền do tham nhũng và các tội phạm về kinh tế mới đạt trên 43%. Do vậy, cần kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt tham nhũng mà có. Mặt khác, kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và Nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý...

Các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục xử lý các hành vi tham nhũng không có vùng cấm, như vậy sẽ tác động tích cực đến việc phòng ngừa ngăn chặn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm khắc phục tình trạng khó xử lý khi phát hiện sai phạm như thời gian qua.

"Thời gian qua, chúng ta đã triển khai đồng loạt các biện pháp từ ngăn ngừa đến đấu tranh chống tham nhũng như xây dựng ban hành nhiều văn bản quy phạm phòng ngừa, tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, với quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều quan trọng là phải xử lý đúng người, đúng tội để răn đe; xây dựng được cơ chế phòng ngừa và thu hồi được tối đa tài sản cho Nhà nước." - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình


"Để ngăn ngừa, PCTN hiệu quả hơn, cần thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đặc biệt, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, kể cả các quy định pháp luật về PCTN. Trong đó, có các giải pháp hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật." - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần