Nhận diện rõ thách thức

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mừng bởi những nỗ lực, cố gắng vượt khó và thành quả Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua nhưng lo lắng vẫn nổi lên khi Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 2/11 về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và định hướng năm 2021 cũng như 5 năm tiếp theo. Việc cần có những kịch bản chi tiết hơn cho sự phát triển trước diễn biến bất thường hiện nay khi thiên tai, dịch bệnh đang là áp lực rất lớn đã được đặt ra.

 Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV
Những con số được đưa ra tại nghị trường Quốc hội cho thấy, đại dịch Covid-19 làm cho hơn 1,2 triệu người trên thế giới tử vong, các nước tăng trưởng âm, suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng. Ở Việt Nam, Covid-19 làm 35 người tử vong, bên cạnh đó, thiên tai trong trong 10 tháng vừa qua làm 249 người chết và mất tích. Vaccine phòng chống dịch Covid-19 chưa có; thiên tai vẫn chưa hết diễn biến phức tạp. Tất cả những điều này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế - xã hội. Như các đại biểu Quốc hội đã phân tích, Việt Nam là 1 trong 3 nước trong khu vực ASEAN tăng trưởng dương. Việc chúng ta đặt mục tiêu ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, người dân không trong cảnh “màn trời chiếu đất” là một nỗ lực rất tốt. Kể cả trong đại dịch, bão lũ cũng thấy niềm tin, sự tương thân tương ái mà không phải đất nước nào cũng có được điều này.

Đó là những điểm sáng, tạo sức bật rất lớn trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và trong nước chưa rõ nét về kiểm soát dịch bệnh. Thiên tai và dịch bệnh có thể dẫn tới gánh nặng về an sinh xã hội, dường như chỉ một mục tiêu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là 6% chưa đủ. Bởi đúng như các ĐB đã nói, khi còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, chúng ta phải dối diện những thách thức mới, việc có những giải pháp cụ thể, những kịch bản cho mọi tình huống là rất cần thiết.

Từ nghị trường, nhiều giải pháp đã được gợi mở như mục tiêu hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh, bởi nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì mục tiêu phát triển kinh tế cũng không đạt được. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai đầu tư công, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực chất… Nhưng cùng với những giải pháp có tính lâu dài ấy, điều nhiều đại biểu mong muốn chính là những giải pháp trước mắt để khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, giúp người dân ổn định lại cuộc sống. Hơn thế nữa, không chỉ dừng ở cứu trợ kịp thời, mà nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai còn phải được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói: “Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ NN&PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch”.

Có thể nói rằng, “trọng tâm của trọng tâm” với kỳ họp Quốc hội này vẫn là xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Sau phiên thảo luận tổ, dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục dành 3 ngày, thảo luận tại hội trường và thống nhất các giải pháp để khôi phục nền kinh tế, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới và phát triển trong năm 2021. Việc nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá thật kỹ những thách thức, từ đó xác định các giải pháp căn cơ để khắc phục, xác định đúng, trúng các ưu tiên trong giai đoạn trước mắt và cả giai đoạn 5 năm tới là điều cử tri trông đợi ở nghị trường.