Nhận diện thủ đoạn, mánh khóe của tín dụng đen

Đông Phong - Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi cần tiền, để vay được từ ngân hàng là điều không hề đơn giản. Theo đó, người vay phải có tài sản thế chấp, khoản vay phải được thẩm định, hợp đồng tín dụng phải được người có trách nhiệm phê duyệt… Với những người không hội đủ những điều kiện trên, con đường ngắn nhất để có tiền là tìm đến các tổ chức tín dụng được dán quảng cáo khắp phố cùng quê – thực chất, đây là hệ thống tín dụng đen đã đẩy nhiều gia đình đến tan cửa, nát nhà.

Bài 1: Cầm đồ tín dụng đen núp bóng
Tờ rơi cho vay không thế chấp được dán khắp nơi. Ảnh: Anh Phong
Từ khi nền kinh tế mở cửa, cung – cầu về tài chính tăng cao khiến dịch vụ cầm đồ nở rộ. Với khoản vay từ các cửa hiệu cầm đồ, gần như không có mức trần và sàn. Chỉ có thỏa thuận đắt hay rẻ nảy sinh do quan hệ. Thực chất của nghề cầm đồ là kinh doanh tín dụng đen, bởi khoản cho vay chịu tỷ lệ rủi ro không thể cân đong đo đếm

Từ những câu chuyện...

Tại quán cà phê khuất trong con ngõ nhỏ gần đường Láng vào đầu giờ sáng, khoảng 5, 6 thanh niên trên, dưới 30 tuổi, thường ngồi chuyện phiếm. Dường như đã thành thói quen, không hẹn trước, người ra kẻ vào, ồn ào vài câu chuyện rồi nhanh chóng tản đi sau gần tiếng đồng hồ. Tò mò về họ, chúng tôi quyết định “ngồi đồng”, nhặt nhạnh những câu chuyện giữa họ để tìm hiểu vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Sáng một ngày đầu tháng 9, chúng tôi đã nghe được câu chuyện ở quán cà phê giữa hội thanh niên: “Sắp đến thời hạn chuộc đồ rồi mà gọi điện thằng Xuân cứ ậm ừ. Cái ô tô khách đặt hạn 15 ngày, nó mượn đã 10 ngày rồi mà không chịu trả”. Ngay sau đó, một giọng như thông cảm: “Dạo này nó đen, khách “ăn” liên tục, ông cứ để nói “diễn” vài ngày nữa, không khách của nó bỏ sang đánh nơi khác hết thì khổ. Khách quen của mình thì phải chiều thôi…”.
“Trong 6 tháng đầu năm 2018, tại Hà Nội đã xảy ra 234 vụ việc liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng đen. Đã hình thành các ổ nhóm để hoạt động cho vay nặng lãi. Thủ đoạn hoạt động của tín dụng đen là thường sử dụng những đối tượng có tiền án, tiền sự, cộm cán để thực hiện các hành vi xiết, đòi nợ thuê…”.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội
Thì ra, nhóm thanh niên rôm rả bàn luận về một kẻ làm chủ cờ bạc dạng lô, đề hay chủ gom hụi họ nào đó. Người này chuyên mượn, thuê đồ lại của khách đang cầm đồ tại các cửa hàng nhằm lòe giới quen biết về sự giàu sang, rủng rỉnh tiền bạc. Theo đó, Xuân (tên người được nhắc đến) thường luân chuyển thuê, mượn đồ của các cửa hàng. Đổi lại việc thuê, mượn đồ, nhóm “buôn tiền” có một khách quen khi Xuân cần xoay tiền “nóng” đều tìm đến họ…

Vài hôm sau, vẫn nội dung như ở trên, nhưng hôm nay nhân vật được nhắc đến lại có tên khác: “Hôm qua thằng Nam lại đến đặt xe, tôi phải báo “quân” ông Toàn “xệ” xuống làm giấy tờ. Mình chấp nhận “ăn” ít cho lành vì lần trước gia đình nó đến chuộc đã báo Công an rồi…

Liên kết câu chuyện trên, chúng tôi dần hiểu nội dung sự việc. Theo đó, một “cậu ấm” hễ hết tiền tiêu xài lại đến đặt xe vào cửa hàng cầm đồ. Rất láu cá, anh ta đặt xe, vay số tiền chỉ khoảng 1/4 giá trị tài sản. Do tiếc tài sản, gia đình “cậu ấm” đã 4 lần đến chuộc về. Tuy nhiên, “cậu ấm” kia vẫn chứng nào tật đấy khiến người thân bức xúc cảnh báo chủ cửa hàng cầm đồ. Không từ bỏ nguồn lợi, chủ cửa hàng cầm đồ đã ma mãnh giới thiệu khách sang Toàn “xệ”, một người có máu mặt trong giới để vừa tránh rắc rối, vừa hưởng hoa hồng tiền lãi.
 
Liên minh đen tối

Với mục đích mở một cửa hàng cầm đồ, chúng tôi như vướng vào ma trận những lời khuyên bảo, nửa chân tình trải nghề nhiều rủi ro, nửa thách đố sự liều lĩnh trong kinh doanh. Sinh nghề, tử nghiệp được cảnh báo theo đúng nghĩa đen trong nghề tín dụng đen. Theo các tay kinh doanh lão luyện, hầu hết khách hàng có nhu cầu tìm đến tín dụng tư nhân nói cho “sang mồm” là người dân hành nghề tự do.

Thực tế, họ phần nhiều là dân nghiện, từ nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá hay nghiện ăn chơi sa đọa, ma túy và không hiếm những trường hợp nghiện… tiêu tiền. Họ chấp nhận vay lãi suất cao, thậm chí lãi cao “cắt cổ” theo ngày là do đã cùng đường sinh liều lĩnh. Dân “buôn tiền” thừa hiểu, nguồn tiền để họ trả nợ cũng bấp bênh theo vận đỏ - đen, theo hoạt động dính “mùi” phi pháp của khách hàng hay do thân nhân gia đình trả “nợ đậy”.

Chính vì vậy, trong giới thiết lập một mạng lưới liên minh gồm dân cầm đồ, giới cờ bạc và những cửa hàng mua bán đồ cũ trong khu vực. Liên minh này vừa tìm, giới thiệu nguồn khách hàng cho nhau, vừa nghe ngóng thông tin, nhân thân cũng như những biến cố nảy sinh của khách hàng.

Nghề tín dụng đen luôn phải đối mặt với tình trạng thu hồi nợ khó đòi. Khởi kiện khách hàng ra tòa khi phá vỡ cam kết không phải cách họ ưa dùng. Trong giới này, khi đến kỳ hạn trả tiền, nếu con nợ có dấu hiệu chây ỳ, luật “rừng” lập tức được triển khai… Vì vậy, bên cạnh các tổ chức tín dụng đen bao giờ cũng có đội ngũ đòi nợ thuê, với thành viên đa phần là dân tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt.

Những ông chủ cửa hàng lép vế hơn thì đều tìm cách giao lưu, qua lại với cửa hàng đàn anh, với mục đích bán lại hợp đồng, mong gỡ lại tiền gốc khi gặp phải những khách hàng xù nợ.

Khi liên minh ma quỷ đã gắn bó khăng khít, khách hàng có nhu cầu đến vay tiền như đã sa vào tổ quỷ. Chỉ sau một lần vay tiền, địa chỉ, nhân thân, khả năng kinh tế gia đình được nhóm liên minh thông tin rõ ràng. Tuỳ theo từng hoàn cảnh, chiếc bẫy được giăng lên… vô vàn khổ đau về cả thể xác lẫn tinh thần cho khách hàng và gia đình đang đón chờ phía trước.

(Còn nữa)