Nhận diện tuyến đường sắt đô thị số 3

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 của Hà Nội là dự án ĐSĐT đầu tiên do Hà Nội làm chủ đầu tư và không phải ngẫu nhiên nó lại được lựa chọn thực hiện trước trong số 8 tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đang được khẩn trương hoàn thành. Ảnh: Hữu Thắng
Đáp ứng nhu cầu lưu thông xuyên tâm
Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm số 3 của Hà Nội có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội đồng thời cũng là thử thách trong giai đoạn đầu xây dựng ĐSĐT tại Thủ đô. Tuyến ĐSĐT số 3 bao gồm 2 phân đoạn là: 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội và 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai, kết nối trục hành lang phía Tây với trung tâm TP, liên thông sang khu vực phía Nam. Lưu lượng hành khách trên trục giao thông này được dự báo rất lớn, có thể đạt sản lượng 488.000 lượt hành khách/ngày.
Hiện đoạn tuyến 3.1 đang trong giai đoạn thi công gấp rút, dự kiến đi vào hoạt động trước đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào năm 2021. Đoạn đi ngầm cũng đang đạt tiến độ rất khả quan. Do đó, cần gấp rút triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến 3.2 nhằm hoàn chỉnh tổng thể tuyến số 3. Mặt khác, đoạn tuyến 3.2 còn là cơ sở để kết nối đồng bộ tuyến ĐSĐT số 3 với tuyến số 2 tại Ga Hàng Bài; tuyến ĐSĐT số 4 tại Vành đai 2,5; tuyến ĐSĐT số 8 tại Vành đai 3, tạo nên sự gắn kết của mạng lưới ĐSĐT Hà Nội trong giai đoạn đầu.
Phó trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết thêm, dự án ĐSĐT số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km; đi ngầm 8,13km; đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đi nổi trên mặt đất 0,086km; gồm 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu tại Yên Sở (Hoàng Mai). Tổng mức đầu tư trên 40.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2022, hoàn thành năm 2028. “Dự án phù hợp với quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tính thống nhất trong việc khai thác, vận hành của toàn tuyến ĐSĐT số 3. Dự kiến, năm 2030 sẽ phục vụ khoảng 124.000 hành khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hành khách/ngày” - ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Kinh nghiệm là thứ đắt nhất
Ông Lê Trung Hiếu cho hay: “Tuyến ĐSĐT số 3 như một gạch nối, định hình, giao kết toàn bộ cụm ĐSĐT đi qua đô thị trung tâm; góp phần vô cùng quan trọng giải quyết nhu cầu đi lại của Nhân dân”. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhận định rõ, việc hoàn thiện, khép kín tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Hoàng Mai sẽ góp phần giải quyết vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khu vực đô thị trung tâm cũng như tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm ATGT, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây nên tại khu vực trung tâm TP.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, một chuyến tàu ĐSĐT sức chở xấp xỉ 1.000 hành khách, tương đương 20 chiếc xe buýt lại chạy trên cao, không chịu ảnh hưởng của ùn tắc giao thông sẽ thay đổi hẳn quan điểm của người dân về giao thông công cộng. Thạc sĩ giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “ĐSĐT rất đắt nhưng “xắt ra miếng”. Thực tế, tại tất cả các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực, ĐSĐT đã chứng minh rõ vai trò, vị thế và sự xuất hiện của nó tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng là khá muộn màng”.
Tuy nhiên, thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, do chưa có một tuyến ĐSĐT nào đi vào vận hành, lại ảnh hưởng tiêu cực từ những vấn đề phức tạp, rắc rối của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông nên không ít người dân chưa tin tưởng vào ĐSĐT. Ông Phan Trường Thành chia sẻ: “Dự án ĐSĐT số 3, đoạn tuyến 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. Bởi chúng ta đã có một dự án thí điểm là đoạn tuyến 3.1. Qua đó, Hà Nội đã có những kinh nghiệm vô cùng quý báu trong triển khai đầu tư ĐSĐT. Theo tôi, kinh nghiệm chính là thứ đắt nhất đối với các dự án hạ tầng giao thông lớn như ĐSĐT”.
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến, dự án ĐSĐT số 3, đoạn tuyến Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị từ năm 2022; cuối năm 2027 sẽ vận hành chạy thử, chính thức đi vào hoạt động năm 2028. Tổng mức đầu tư ước tính sơ bộ là 40.577 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ khoảng 85%, còn lại là vốn đối ứng của TP Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần