Nhận định về cơn bão số 9: Giật cấp 12, gây mưa có nơi lên tới 600mm

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão số 9.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.
Bão càng vào bờ càng mạnh
Thông tin về tình hình, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: Theo dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão; đêm 24/11 sáng 25/11, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Phú Yên - Bình Thuận ở cấp 9, 10, giật cấp 12. Đây cũng là thời điểm triều cao nhất trong ngày (đỉnh triều trong ngày là 1,6m/1,7m đỉnh triều của tháng).
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn từ 200 - 300mm tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trên biển cũng có mưa to, trong đất liền cảnh báo xẩy ra dông, lốc cục bộ.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Đức Cường nhận định thêm, bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và tăng cấp mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Khoảng đêm và sáng 24/11, bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12. Vùng trọng tâm mưa sẽ là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận với lượng mưa 300 - 500mm, có nơi mưa có thể lên 600mm. Trong ngày 25/11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300mm/24 giờ.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện tổng số tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên của 9 tỉnh dự kiến bị ảnh hưởng bởi bão (từ Quảng Nam - TP Hồ Chí Minh) là 29.427 tàu cá, trong đó có 17.703 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Qua hệ thống giám sát tàu cá, hiện có 1 tàu cá của Bình Định (BĐ-98172-TS) trong vùng dự kiến bão ảnh hưởng và đang di chuyển trú tránh. Có 27 khu neo đậu theo tiêu chuẩn với tổng công suất là: 22.527 tàu, đáp ứng 76% nhu cầu.
Đây cũng là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung rất lớn: 11.327ha và 2,019 triệu m3 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản (năm 2017 là 3,077 triệu m3).
Trước tình hình trên, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương cần tiếp tục tăng cường rà soát kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là các phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản.
Vị trí và đường đi dự kiến của bão số 9
Chủ động các phương án ứng phó
Thông tin về đợt kiểm tra hồ đập tại Nam Trung Bộ sau mưa bão số 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho hay, nhiều hồ chỉ tăng 5 - 10% dung tích tích nước nhưng có những hồ tăng lên đến 40%. Hiện tại, nhiều hồ ở khu vực Khánh Hoà đạt 70% dung tích thiết kế, nhưng cũng có hồ chưa đạt mức tích nước yêu cầu.
Công tác điều hành quản lý hồ hiện nay ở khu vực nam Trung bộ phải đáp ứng 2 yêu cầu: Vừa đảm bảo công trình an toàn và vùng hạ du, nhưng vừa phải đảm bảo nhiệm vụ tích nước chống hạn.
“Có dung tích chênh lệch rất khác nhau nên công trình hồ đập hiện nay không thể chung cách vận hành. Cách tốt nhất là đơn vị quản lý phải dàn lực lượng đến tận các công trình theo dõi thực tế để ra các quyết định điều tiết hợp lý”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTPT, các Bộ, ngành, các địa phương trong việc sớm triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các tỉnh Nam Trung Bộ cần tuyệt đối không được chủ quan với diễn biến bất thường của mưa bão, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.
“Chỉ trong thời gian ngắn, hoàn lưu bão số 8 vừa qua đã gây mưa cực lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, đến nay vẫn phải tập trung để khắc phục”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao cảnh giác, chuẩn bị nghiêm túc các phương án ứng phó; một số Bộ, ngành liên quan phải sớm cử các đoàn công tác, chủ động phối hợp với địa phương triển khai tốt phương án bảo vệ an toàn các công trình hồ đập, các công trình hạ tầng, nhà ở của người dân theo phương châm 4 tại chỗ.
Đồng thời phải khẩn trương rà soát lại, chủ động sơ tán, đảm bảo không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra ngập úng hay sạt lở, trong các công trình, nhà xuống cấp, kém chất lượng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần