Nhãn hàng bị tẩy chay vì chính trị: Cái giá để làm ăn ở Trung Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dùng mạng xã hội khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam, đã phản đối mạnh mẽ bản đồ "đường lưỡi bò" của H&M, chỉ trích hãng bán lẻ từ Thụy Điển đang bất chấp luật pháp quốc tế để "quỳ gối" trước Bắc Kinh.

Một cửa hàng H&M tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Đơn vị Thượng Hải (Trung Quốc) của hãng thời trang H&M (Hennes & Mauritz AB) hôm 2/4 đã bị 2 trong số các cơ quan quản lý của TP này triệu tập, buộc phải sửa một bản đồ "có vấn đề" hiển thị trên trang web của hãng.

Tuy nhiên, bản đồ sau khi được chỉnh lý của H&M đã xuất hiện hình ảnh "đường 9 đoạn"/"đường lưỡi bò" - yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông của Trung Quốc mà Tòa Trọng Tài Quốc tế đã chính thức bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Người dùng mạng xã hội khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam, đã phải đối mạnh mẽ bản đồ "đường lưỡi bò" của H&M, chỉ trích hãng bán lẻ từ Thụy Điển đang bất chấp luật pháp quốc tế để "quỳ gối" trước Bắc Kinh.
H&M gần đây cũng trở thành một ví dụ điển hình về việc các công ty nước ngoài bị trừng phạt vì đi trái đường lối chính trị của Trung Quốc. Các sản phẩm của H&M đã bị rút khỏi các trang web thương mại điện tử của Trung Quốc do Alibaba và JD.com điều hành, do lập trường mà họ đưa ra nhằm phản đối cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở vùng Tân Cương - điều mà Bắc Kinh đã kiên quyết phủ nhận.

Bắc Kinh đã nhiều lần nói rõ rằng các tập đoàn đa quốc gia phải tuân theo các quy tắc của họ nếu họ muốn hoạt động tại nước này. Trong khi nhiều công ty vẫn sẵn sàng "trả giá", do thực tế nền kinh tế khổng lồ hấp dẫn với mọi thứ, từ ô tô, quần áo đến phim ảnh và hàng hiệu xa xỉ.

Một thị trường khó nhưng hấp dẫn

Các công ty nước ngoài không thể đơn giản bỏ qua nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu dùng phong phú cho nhiều nhãn hàng.

Bonnie Glaser - Cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - trụ sở Washington) nhận định: "Tiếp cận thị trường nội địa ở Trung Quốc luôn là điều hấp dẫn. Nhiều năm trước, khi các công ty lần đầu tiên đến Trung Quốc và thậm chí không có đạt lợi nhuận trong vài năm, họ vẫn bám trụ vì ước tính cuối cùng có thể kiếm được nhiều tiền hơn".

Nhưng theo CNN, để làm ăn được ở Trung Quốc cũng có nghĩa là phải vượt qua các cơ quan quản lý nổi tiếng nghiêm ngặt, nắm quyền kiểm soát lớn đối với việc ai được phép kinh doanh và kinh doanh như thế nào.

Không ít các "ông lớn" đã bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc vì từ chối tuân thủ các quy tắc. Ví dụ, Google từng được phép cung cấp dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc từ năm 2006 - 2010 với các kết quả được kiểm duyệt theo yêu cầu của Bắc Kinh, nhưng cuối cùng đã từ bỏ cách làm đó, và do đó bị buộc dừng hoạt động.

Vướng vào tranh cãi chính trị

Trong khi đó, nhiều công ty giành được quyền tiếp cận Trung Quốc thì thường xuyên rơi vào tranh cãi chính trị, dẫn đến hậu quả thiệt hại.

Vào năm 2017, một số cửa hàng thuộc sở hữu của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã phải đóng cửa trên khắp Trung Quốc, sau khi tập đoàn này bị lôi kéo vào việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi của Mỹ ở quê nhà. Trung Quốc đã phản đối gay gắt quyết định triển khai hệ thống của Hàn Quốc, vốn bị coi là mối đe dọa đối với an ninh của nước này.

Năm sau đó, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu loạt hãng hàng không của Mỹ, gồm American Airlines, Delta và United Airlines, phải thay đổi cách gọi lãnh thổ Đài Loan của nước này, nếu không sẽ bị trừng phạt ở Trung Quốc - một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới.

Vào năm 2019, Hiệp hội Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) cũng vướng vào cuộc chiến với Bắc Kinh sau khi Giám đốc điều hành thể thao Daryl Morey đã tweet ủng hộ những người biểu tình dân chủ ở Hongkong. Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã ngừng phát sóng NBA, trong khi tất cả các đối tác Trung Quốc chính thức của giải đấu đã đình chỉ quan hệ.

Isaac Stone Fish, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Strategy Risks - một công ty nghiên cứu tập trung vào rủi ro DN ở Trung Quốc, nói với CNN: "Các DN ở Trung Quốc buộc phải chọn bên, và họ luôn cố gắng để không phải làm điều đó một cách công khai". Ông chỉ ra trường hợp của NBA là "ví dụ nổi cộm nhất" khi đã để sự thiên vị lan ra công chúng.

"Họ đang cố gắng cân bằng với thị trường tăng trưởng quan trọng nhất của mình, và đôi khi là phải bất chấp đạo đức", ông Fish nói thêm.

Chấp nhận cúi đầu?

"Người Trung Quốc có đòn bẩy kinh tế rất lớn", bà Glaser nói, "nhưng họ luôn dùng điều đó theo cách gây hại cho một lĩnh vực, một ngành, hoặc một công ty cụ thể nào đó mà không phải chịu thiệt gì".

Glaser dẫn ví dụ về những căng thẳng thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Australia - quốc gia xuất khẩu rượu vang, thịt bò, gỗ và các hàng hóa khác sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao hoặc những trở ngại khác. Các ngành công nghiệp quan trọng của Australia đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, như quặng sắt, thì nghiễm nhiên không bị trừng phạt.

"Chiến lược của Trung Quốc ở đây là "giết gà dọa khỉ", bà Glaser nói, "họ biết rõ rằng các quốc gia khác đang theo dõi những gì đang xảy ra".

Hay như việc hãng H&M tại Trung Quốc chịu trừng phạt liên quan vấn đề Tân Cương, trong khi 2 "gã khổng lồ" Nike và Adidas cũng đưa ra những chỉ trích tương tự nhưng dường như lại thoát. McGregor - Chủ tịch APCO Worldwide - ngờ rằng, lý do có thể là bởi tiền quảng cáo của Nike và Adidas ở Trung Quốc đã tạo nên "mối quan hệ sâu sắc" hơn cả.

"Có những tổ chức Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tiền từ Nike và Adidas và các thương hiệu thể thao khác, trong khi H&M chỉ là một nhà bán lẻ tham gia vào thị trường", ông McGregor nói với CNN.

Tuy nhiên, căng thẳng có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới, khi Trung Quốc dự kiến ​​tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 theo đúng kế hoạch, trong khi hàng chục nhóm vận động đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay Nike, Adidas...

"Xét cho cùng, nếu căng thẳng bùng phát thì Trung Quốc có nguy cơ làm hoen ố danh tiếng của mình trên một sân chơi rộng lớn. Nhưng điều đó cũng khiến nhiều công ty tại nước này rơi vào tình thế khó khăn", ông McGregor nói thêm, "hầu hết các công ty đều đang cúi đầu để vượt qua rắc rối trước mắt".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần