Nhân lên niềm tự hào hàng Việt

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm cho thấy, Cuộc vận động đã tác động lan tỏa, tạo nên chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt.

Bà Nguyễn Thị Xuân Nga (áo dài) - chủ cơ sở sản xuất búp bê Hà Thủy tại phường Cổ Nhuế 2 giới thiệu sản phẩm búp bê 54 dân tộc đến với hội viên phụ nữ. Ảnh: Thanh Bình
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có 4.396 hộ với hơn 13.500 nhân khẩu và trên 7.000 học sinh, sinh viên, với nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa tương đối lớn. Những năm qua, MTTQ phường đã chủ động nắm bắt tình hình, tâm lý, thói quen của người dân trong tiêu dùng và mua sắm hàng hóa, phối hợp với các đoàn thể tổ chức 23 hội nghị truyên truyền cho 3.900 lượt người; cấp, phát hơn 2.000 tờ rơi, tài liệu, sổ tay người tiêu dùng. Đồng thời, tổ chức hội chợ đưa hàng Việt về cơ sở, để các DN, công ty có cơ hội giới thiệu hàng hóa, sản phẩm tới người tiêu dùng trên địa bàn. Đáng chú ý, phường đã tổ chức hội chợ với 60 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm của các làng nghề truyền thống, hàng hóa của các DN Việt Nam, thu hút hàng ngàn người tới tham quan và mua sắm.

Trong khi đó, phường Đông Ngạc đã tuyên truyền được 520 buổi về nội dung Cuộc vận động, phát 250 cuốn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền; tổ chức 80 hội nghị lồng ghép tuyên truyền nội dung Cuộc vận động với các phong trào thi đua. Đồng thời, tổ chức 10 buổi giới thiệu sản phẩm Việt tới người tiêu dùng với 4.579 lượt người tham gia.

Tuy nhiên, theo đại diện nhiều phường, để Cuộc vận động hiệu quả hơn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; có sự định hướng đối với các tập thể khi mua sắm tài sản công, nên ưu tiên mua sắm hàng Việt. Hỗ trợ tạo điều kiện để các DN Việt nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ các nhà phân phối nhằm tránh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng lưu hành trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; tăng cường tổ chức các hội chợ, điểm bán hàng bình ổn giá lưu động…

Khẳng định thêm nhiều thương hiệu Việt

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bắc Từ Liêm cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để quảng bá, giới thiệu hàng Việt, kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tại ngày hội phụ nữ Bắc Từ Liêm sáng tạo khởi nghiệp, có 42 chi hội đăng ký thực hiện thay đổi hành vi tiêu dùng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giới thiệu tới cán bộ hội viên nhận diện, mua và bán sản phẩm an toàn, chất lượng mang thương hiệu Việt. Đặc biệt, có sản phẩm búp bê 54 dân tộc của cơ sở sản xuất búp bê Hà Thủy (bà Nguyễn Thị Xuân Nga - phường Cổ Nhuế 2) được Thành hội bình chọn là 1 trong nhóm 10 sản phẩm tiêu biểu; bà Đỗ Thị Long (phường Đông Ngạc) - chủ cơ sở sản xuất tỏi đen Kim Hoàn là doanh nhân tiểu biêu của Thủ đô năm 2018…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm Vương Văn Thân cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, quận đã chủ động phối hợp tham gia, tổ chức nhiều hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm hàng Việt nhằm đưa hàng Việt có chất lượng đến tay người tiêu dùng; duy trì việc tổ chức chợ hoa, cây cảnh phục vụ Nhân dân đón Tết. Sau 5 năm thành lập quận, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã tổ chức được 23 phiên chợ hàng Việt tại các phường, tạo điều kiện cho các DN đưa 72 chuyến hàng hóa sản xuất trong nước tới giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng Việt tới Nhân dân. Chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao, giá cả phù hợp, khiến cho thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi theo hướng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt. Số lượng hàng hóa, nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam đã chiếm tới trên 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị, các chợ. Đặc biệt, sản phẩm bánh cốm Bảo Minh đã chiếm lĩnh được thị trường Nhật Bản…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần