Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 30 năm đổi mới, đã có nhiều DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược, từng bước vươn xa trở thành đội ngũ có năng lực, trình độ, đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Đôi cánh của nền kinh tế

Theo Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam đã có hơn 800.000 DN, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, số lượng đội ngũ doanh nhân đã lên đến hơn 5 triệu người. Con số trên đã minh chứng việc mở đường cho DN phát triển là hướng đi đúng đắn, nhiều doanh nhân Việt Nam lọt vào top tỷ phú đô la toàn cầu.
 Nhiều doanh nghiệp tham gia ủng hộ phòng, chống Covid-19. Ảnh: Khắc Kiên
Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô DN thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hiện khu vực DN cũng đóng góp hơn 60% GDP, với khoảng 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Vì vậy, có thể coi việc thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều hành động rất thiết thực để thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho DN phát triển. Cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng DN cũng được đẩy mạnh. Qua đó Chính phủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng DN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những "sân chơi" lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)..., vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện rõ nét khát vọng vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, nâng cao vị thế Việt Nam, từng bước trở thành đôi cánh giúp nền kinh tế Việt Nam bay lên trên trường quốc tế.

Có thể thấy, cần có những DN dẫn đầu mạnh, đủ sức tạo ra chuỗi giá trị lớn, đủ khả năng dẫn dắt. Hiện, Việt Nam đã có nhiều đơn vị đủ tiềm lực như: Viettel, Vingroup, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group, T&T Group... Những DN này đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có DN nào lọt top 500 DN lớn nhất thế giới, chưa có những DN tham gia sâu rộng vào "sân chơi" hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu toàn cầu.

Bên cạnh đó, các DN tư nhân Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu cần khắc phục về quy mô (vừa và nhỏ), công nghệ tương đối lạc hậu, năng suất lao động thấp. Ngoài ra, vẫn còn thiếu tính gắn kết, đoàn kết cho nên dẫn tới xây dựng chuỗi cung ứng chưa tốt, liên kết giữa DN trong và ngoài nước còn kém. Các DN vẫn thiếu tính trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo chưa cao. Ðây đang là thách thức lớn đối với các DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Đổi mới mạnh mẽ

Để có thể bắt kịp xu hướng hội nhập, thời gian tới, cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải quyết tâm đổi mới và nâng tầm DN, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn, đồng thời tiếp tục gắn với trách nhiệm xã hội. Mặt khác, cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt hơn nữa trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang nhiều thay đổi và hội nhập. Trong đó, phải tập trung vào các yếu tố đột phá như về con người, công nghiệp và có những sản phẩm vượt trội, thương hiệu, uy tín trên thị trường. Trong tương lai, môi trường xã hội, môi trường pháp lý thuận lợi hơn sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam ngày càng phát huy mạnh mẽ sở trường và tiềm năng của mình, vươn ra tầm thế giới.

Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh nhìn nhận, khó có thể đo đếm hết được những gian truân trên con đường đi đến thành công của các tập đoàn kinh tế lớn. Chính hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh của người Việt, không chỉ ở thị trường nội địa mà cả trên thị trường quốc tế mới là động lực chính để những tập đoàn này theo đuổi con đường đã chọn...

Là cầu nối giữa DN và chính quyền, ông Mạc Quốc Anh mong rằng, cơ chế khuyến khích hướng đến các DN đầu tư vào những lĩnh vực có đóng góp cho xã hội; nghiên cứu đồng bộ hoá và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm hỗ trợ DN về khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại. Đồng thời cập nhật, đưa ra các thông tin dự báo thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần giúp DN có định hướng sản xuất phù hợp...

Tại Hà Nội, 8 tháng năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, số DN thành lập mới vẫn tăng. Tổng số DN đăng ký thành lập lũy kế đến 31/8/2020 là 295.938 DN. DN thành lập mới trong 8 tháng năm 2020 là 17.903 DN, vốn đăng ký 242.004 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ). Đến ngày 31/8/2020, TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho 17.903 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 242.004 tỷ đồng.


Việt Nam đặt mục tiêu hết năm 2020 sẽ có 1 triệu DN, trong đó có những DN mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng DN có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…