Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm thí điểm, đến nay, Hà Nội đã xây dựng, duy trì hiệu quả 14 tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát. Mô hình này không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, Hà Nội đã và đang chủ động các biện pháp vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát một cách hiệu quả.
Diện mạo tuyến phố thay đổi rõ rệt

Phát huy hiệu quả 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát (tại 8 quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng) từ năm 2018, Hà Nội tiếp tục nhân rộng thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát thuộc các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Sơn Tây. Dù năm nay dịch Covid-19 hoành hành, bên cạnh công tác phòng chống dịch, Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tích cực trong kiểm soát tuyến phố ATTP. Đến nay, TP có 14 tuyến phố ATTP tại 12 quận, huyện với tổng số 508 cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80,7 - 100%.
 Hà Nội ra quân kiểm tra ATTP và phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở dịch vụ ăn uống. Ảnh: Thảo Trần
Theo Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt, từ năm 2018 đến nay, quận duy trì và xây dựng mới 4 tuyến phố ATTP có kiểm soát (phố Nguyễn Sơn, Việt Hưng, Ngọc Lâm và Chợ ẩm thực) với 94 cơ sở kinh doanh. Tại các tuyến phố này, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được thanh tra, kiểm tra, giám sát tối thiểu 4 lần/cơ sở/năm; trên 90% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm được kiểm soát... Trong năm 2020, song song với phòng chống dịch Covid-19, quận Long Biên đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát 381 lượt cơ sở; tỷ lệ đạt tiêu chí là 95,3% (đạt 363/381 lượt).

Còn tại quận Thanh Xuân, Trưởng phòng Y tế quận Phạm Hồng Diệp cho biết, mô hình này được triển khai thí điểm ở phường Thượng Đình từ năm 2017. Từ khi triển khai mô hình, ý thức chấp hành quy định đảm bảo ATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống và người dân được nâng cao rõ rệt.

Vừa phòng dịch Covid-19, vừa duy trì, nhân rộng mô hình

Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp cho rằng, để duy trì, nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trong thời điểm dịch Covid-19, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục rà soát, thống kê quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đồng thời, quận cũng yêu cầu các cơ sở thường xuyên thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí ATTP, thu gom rác thải ngay… để tạo sự thay đổi rõ nét đảm bảo ATTP, mỹ quan và vệ sinh môi trường sạch đẹp.

“Đặc biệt, quận yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố kiểm soát ATTP thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhân viên chế biến thực phẩm phải tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ, mang trang phục bảo hộ theo quy định, phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, bố trí nước sát khuẩn tay nhanh ở nơi chế biến và nơi ăn của khách hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khu vực bếp… Chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát ATTP cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quận cũng tập trung kiểm tra đợt cao điểm phục vụ Tết, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP” - bà Phạm Hồng Diệp cho biết.

Đồng quan điểm, theo Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt, với tinh thần không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19, thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư và TP về các giải pháp phòng chống dịch. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyên toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo ATTP, quận cũng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Mặt khác, quận sẽ chú trọng đầu tư nguồn lực nhằm duy trì, nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, vận động, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm quy định về ATTP, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Sở Y tế Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương - nơi triển khai thí điểm mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát tăng cường kiểm tra các cơ sở nhà hàng, dịch vụ ăn uống đảm bảo cả về ATTP cũng như phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các địa phương cần xử phạt nghiêm và thông tin rộng rãi những cơ sở vi phạm.

"Theo kế hoạch, mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đang được nhân rộng thêm ở 4 tuyến phố: Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy), Ngọc Lâm (quận Long Biên), Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) và Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm). Khi 4 tuyến phố này chính thức đi vào hoạt động, Hà Nội có tổng cộng 18 tuyến phố ATTP có kiểm soát, với 690 cơ sở kinh doanh ăn uống (trung bình 38 cơ sở/tuyến phố) được gắn biển “Cơ sở ATTP có kiểm soát”." - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Trần Ngọc Tụ