Nhân rộng việc khoán xe công

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, sau những hình ảnh “Thứ trưởng sử dụng taxi đi làm”, những chiếc xe biển xanh tại một số sở, ngành, quận, huyện của Hà Nội (một trong những địa phương tiên phong trong việc khoán xe công) giảm nhưng hiệu quả công việc vẫn bảo đảm…, việc mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công nhận được sự đồng tình của dư luận.

Ngốn nhiều ngân sách, bao gồm cả tiền thuế của dân, vì thế đẩy mạnh việc cắt giảm ô tô công, tiết kiệm nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm là một trong những giải pháp thiết thực triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội thông qua.
Theo Dự thảo Nghị định mới, với xe phục vụ chức danh vẫn tiếp tục giữ quy định hiện hành. Riêng với nhóm lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên (Thứ trưởng và tương đương, Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn nhà nước...), thay vì được bố trí một xe riêng đưa đón từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại, đi công tác, Dự thảo đưa ra quy định khoán kinh phí bắt buộc cho quãng đường đi từ nhà tới cơ quan, chỉ khi đi công tác được bố trí xe công dùng chung để đi lại. Mỗi Bộ được trang bị 3 xe phục vụ công tác chung cho các chức danh này… Mỗi ngành, địa phương tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể cũng chỉ còn từ 1 - 2 xe công. Như vậy, không chỉ trông chờ vào sự tự nguyện, việc khoán xe công hiện đang được thực hiện “mạnh tay” hơn khi có những quy định cụ thể nêu rõ tiêu chuẩn, định mức, chế độ cho từng cá nhân, đơn vị. Lợi ích mà nó đem lại có thể thấy rõ, nên việc khoán xe công nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng tại các cơ quan từ T.Ư đến các sở, ngành, quận, huyện, thị xã không khó để nhận được sự ủng hộ của người dân. Đơn cử, tính đến cuối năm 2016, tổng số ô tô công của cả nước là 34.241 chiếc. Trong đó, xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc. Nếu giảm số lượng này từ 42 - 62%, có nghĩa giảm trung bình được 10.000 xe ô tô công, giảm 684 đầu xe phục vụ chức danh. Mỗi chiếc ô tô công trung bình tiêu tốn 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương cho lái xe...). Như vậy, ngân sách có thể tiết kiệm được khoảng 3.400 tỷ đồng mỗi năm, một con số không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp. Đó là chưa kể những lợi ích khác mà việc khoán xe công mang lại như hạn chế tình trạng lợi dụng xe công vào những mục đích riêng, từng đoàn xe biển xanh “diễu hành” trên đường trong một sự kiện nào đó… Việc chuyển xe công sang sử dụng các dịch vụ vận tải khác cũng giúp người cán bộ có thể lắng nghe được những dư luận xã hội mà người dân đang quan tâm…
Tuy nhiên, đi cùng với việc khoán xe công, điều quan trọng sau đó là việc công khai, minh bạch trong việc xử lý khối tài sản lớn đó của Nhà nước. Những vấn đề này là cần thiết để một chủ trương thực sự đi vào cuộc sống.