Nhân sỹ Bùi Bằng Đoàn – người có đóng góp to lớn với cách mạng Việt Nam

Trần Long. Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/9, tại Thủ đô Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 – 19/9/2019).

Đến dự Lễ kỷ niệm có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng…

 Các đại biểu dự buổi lễ

Về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý…

Buổi lễ dự kiến có sự tham dự của 1.000 đại biểu, gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể của trung ương và thành phố Hà Nội… Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Namvào lúc 9h tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô.
Lễ kỷ niệm là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức lễ kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Quốc hội Việt Nam…
Cụ Bùi Bằng Đoàn (Sinh năm 1889) trong một gia đình nhà Nho tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Đây là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Từ một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực trong triều đình phong kiến, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tự nguyện tham gia chính quyền cách mạng.
Đến ngày 6/1/1946, tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông với số phiếu bầu rất cao. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội.
Sau đó, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11/1946), cụ được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Trên cương vị quan trọng này, cụ Bùi Bằng Đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp cho hoạt động lập pháp. Đặc biệt là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp...
Để ghi nhận những cống hiến, công lao, đóng góp to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng cụ Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thành phố Hà Nội cũng đã đặt tên một con đường là Bùi Bằng Đoàn để tưởng nhớ công lao của cụ.
Trước đó, lễ dâng hương kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn diễn ra vào lúc 7h ngày 15/9 tại Khu lưu niệm Nhà thờ Thiệu Đức Đường (thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Trong diễn văn kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, với tinh thần “dĩ công vi thượng”, Cụ Bùi Bằng Đoàn - một vị quan Thượng thư trong bộ máy của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng. Bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân và sự cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Trong những năm tháng khó khăn, ác liệt của cách mạng Việt Nam, Cụ không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm trách các chức vụ quan trọng. Trên bất cứ cương vị nào, Cụ cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của Cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của Cụ là tấm gương sáng để các ĐB Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân ta học tập. Tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Noi gương cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong mọi hoạt động, trên từng cương vị công tác, mỗi cán bộ, đảng viên, toàn thể Nhân dân ta phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, nhân dân và Đảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Noi gương Cụ, chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn để ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng tiên liệt vì sự trường tồn, phát triển của quốc gia và dân tộc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần