Nhân vật phi thường trong lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/3, bầu không khí đau thương bao trùm quốc đảo Sư tử khi thông tin ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore độc lập đã ra đi sau một thời gian bệnh nặng, hưởng thọ 91 tuổi.

Trong ngày quốc tang đầu tiên (kéo dài đến cuối tuần), nước mắt lăn dài trên gương mặt của những em nhỏ, người cao tuổi, những doanh nhân, người lao động, phụ nữ… khi xem lại những hình ảnh ấn tượng trong sự nghiệp của nhà lãnh đạo thiên tài này hay khi xúc động ghi từng chữ bày tỏ sự biết ơn và niềm tiếc thương vào sổ tang.

Huyền thoại xuyên thế kỷ

Nhìn lại quá trình 50 năm hình thành và phát triển của quốc gia có diện tích vào loại khiêm tốn nhất Đông Nam Á, không ai có thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của nhà lãnh đạo kiệt xuất của ông Lý Quang Diệu – người được người dân nước này tôn vinh là “cha già” của đảo quốc, một thuyền thoại của chính trường khu vực và thế giới suốt 2 thế kỷ XX và XXI. Trong hơn 3 thập kỷ cầm quyền, ông Lý Quang Diệu đã khẳng định được vai trò của một nhà lãnh đạo xuất chúng khi biến Singapore từ một “vùng đất đầm lầy” thành “thành phố trong mơ”.
Người dân Singapore thương tiếc sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. 	 	Ảnh: REUTERS
Người dân Singapore thương tiếc sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: REUTERS
Trọng dụng nhân tài là chính sách quan trọng nhất mà Thủ tướng Lý Quang Diệu đã kiên trì theo đuổi để xây dựng Singapore trở thành quốc gia phồn thịnh bậc nhất, điểm đến an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư nhất, là nơi “đáng sống” nhất khu vực. Ông Lý Quang Diệu cũng quyết tâm tăng lương cho các vị trí chủ chốt lãnh đạo nhằm giúp họ cống hiến nhiều hơn cho đất nước, loại bỏ các nguy cơ liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, tiếng Anh đã được chọn là một trong 4 loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức.

“Người khổng lồ của khu vực”

Tiếc thương trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, các nhà lãnh đạo quốc tế đã dành những lời tốt đẹp nhất để tôn vinh chiến lược gia tài ba này. Trong khi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là “một nhân vật huyền thoại ở châu Á”, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận định ông Lý Quang Diệu “là một nhân vật thực sự phi thường trong lịch sử” và “một trong những nhà chiến lược vĩ đại về các vấn đề châu Á”.

Thủ tướng Australia Tony Abbott trong điện chia buồn gửi tới chính phủ Singapore đã viết: “Hôm nay chúng ta thương tiếc cho sự ra đi của một người khổng lồ trong khu vực”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng ca ngợi ông Lý Quang Diệu là một “nhà lãnh đạo vĩ đại của châu Á, người đã xây dựng nền móng cho sự thịnh vượng của đất nước Singapore ngày nay”. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi miêu tả ông Lý Quang Diệu là một “chính khách có tầm nhìn xa và là một con sư tử giữa các nhà lãnh đạo”. Thủ tướng đương nhiệm của Anh David Cameron thì dẫn lời “bà đầm thép” Thatcher khi nói về ông Lý Quang Diệu rằng không có vị Thủ tướng nào làm bà ngưỡng mộ hơn Thủ tướng Lý Quang Diệu. Lịch sử thế giới sẽ ghi nhận ông như là một nhà lãnh đạo và là một trong những chính khách lỗi lạc nhất của thế giới hiện đại.