Nhanh nhạy để “chớp” cơ hội đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để vượt qua những khó khăn hiện nay, doanh nghiệp (DN) cần phải đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc và lâu dài nhưng bên cạnh đó cũng cần nhanh nhạy để “chớp” cơ hội đầu cơ trong ngắn hạn.

Đây là lời khuyên của TS Võ Trí Thành -Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tại Diễn đàn các giải pháp hỗ trợ DN năm 2014 dành cho các DN được tổ chức mới đây.

Nhanh nhạy để “chớp” cơ hội đầu tư - Ảnh 1
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế thế giới đang phục hồi rất chậm. Dự báo đến năm 2017, tăng trưởng thế giới khoảng 5,2%. Đằng sau sự phục hồi chậm chạp ấy là rủi ro rất lớn, tính bất định cao. Các rủi ro ấy đang dịch chuyển sang các nước mới nổi như Ấn Độ, Malaysia… Tại Việt Nam, đầu cơ vẫn là hướng kinh doanh cần được DN tính đến trong giai đoạn ngắn hạn khi thị trường còn rất rủi ro. "Với bản thân từng DN, trong khi "chơi" với ngắn hạn, phải biết nắm bắt xu thế thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang diễn ra" - ông Thành lưu ý. Năm 2014, theo dự báo, thị trường xuất khẩu Mỹ, EU tốt hơn với nhiều cơ hội giao thương do các hiệp định TPP được ký kết… Một thị trường nữa có sức ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam là thị trường Trung Quốc và đây cũng là cơ hội nếu DN biết nắm bắt.

Nói về những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, từ ngày 1/1/2014, Luật Thuế thu nhập (sửa đổi) có hiệu lực với những điều chỉnh có tính sâu sát hơn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, DN mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm thuế thu nhập DN xuống 15%. “Duy trì và phát triển nguồn thu ngân sách nên tập trung sang thuế VAT, thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt, làm sao để thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ quan trọng trong điều tiết thị trường tiêu dùng" - ông Nguyễn Trường Sơn kiến nghị.

Lo ngại trước tình trạng nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) đóng cửa, ông Nguyễn Trọng Hiệu - Cục phó Cục Phát triển DN, Bộ KH & ĐT đề ra một số chính sách nhằm trợ giúp phát triển DNNVV. Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển DNNVV. Triển khai tích cực các luật mới ban hành liên quan đến hoạt động của DN nói chung, DNNVV nói riêng...  Hai là, cần giúp DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng một cách nhanh nhất thông qua Quỹ Phát triển DNNVV. Bên cạnh đó, cần hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho DNNVV. Ba là, cần cung cấp thông tin hỗ trợ, xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV, cho phép tỷ lệ nhất định DNNVV được tham gia cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công trình cho thị trường mua sắm công. Bốn là, cần xây dựng hệ thống trợ giúp phát triển DNNVV thông qua việc đẩy nhanh phê duyệt Đề án tăng cường năng lực cho cơ quan đầu mối thực hiện chính sách phát triển DNNVV giai đoạn 2014 - 2015.Một khi những chính sách hỗ trợ này được ban hành thì chính các DN phải nhanh nhạy nắm bắt và tận dụng các kênh hỗ trợ, thay vì ngồi đợi chính sách "gõ cửa" tìm đến.

 
Năm 2013, tổng số DN đăng ký thành lập là 76.955, tăng 10,1%; Vốn đăng ký là 398.681 tỷ đồng, giảm 14,7%. Có 61.000 DN dừng hoạt động, trong đó 10.000 DN giải thể, tăng 11,9%.  Có 312.600 DNNVV hoạt động, trong đó, DN vừa là 6.837(2,2%), DN nhỏ chiếm 92.530 (29,6%) và DN micro (siêu nhỏ) là 213.233 (68,2%).
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần